Mỹ - Trung Quốc: Chạy đua trì hoãn đợt áp thuế mới

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực hoãn đợt thuế quan mới mà Mỹ dự kiến áp lên 165 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-12 tới đây nhằm hạn chế các phản ứng từ người dân dịp cuối năm.
Các nhà đầu tư chứng khoán lo lắng về khoản thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc dịp cuối năm
Các nhà đầu tư chứng khoán lo lắng về khoản thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc dịp cuối năm

Kỳ kèo bớt một thêm hai

Mấu chốt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn để chấp nhận đặt bút ký một thỏa thuận ban đầu là Trung Quốc cam kết mua nông sản của Mỹ ra sao. Đây là điều mà hai bên vẫn đang thương thảo. Không có gì chắc chắn hai bên sẽ kịp chốt thỏa thuận trong ít ngày còn lại. Các quan chức Bắc Kinh và Washington cũng phát tín hiệu rằng họ không xem 15-12 là hạn cuối để đạt thỏa thuận vì thực tế hai phía cũng đã không ít lần “xôi hỏng bỏng không” khi sắp thương lượng thành công.

Trong khi cả hai nước thừa nhận các cuộc đàm phán có thể kéo dài qua ngày 15-12 thì Tổng thống Donald Trump một mặt đe dọa kéo dài cuộc chiến thương mại, mặt khác vẫn cố gắng trấn an các nhà đầu tư. Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của tổng thống, gần đây cũng đã tham gia vào nỗ lực giúp hai bên đạt thỏa thuận.

Cả người Trung Quốc và nhiều người ở phía Mỹ đều không muốn đợt thuế này có hiệu lực, vốn sẽ đánh mạnh vào sản phẩm điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo. Đối với Trung Quốc, thuế quan mới sẽ làm trì trệ thêm nền kinh tế. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 23% trong tháng 11. Với Mỹ, thuế quan có thể sẽ thúc đẩy phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại New York, ước tính rằng 65% khả năng thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ đạt được. Nếu đạt được thỏa thuận trì hoãn thì đây sẽ là một bước tiến đầy triển vọng hướng tới việc chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai bên. Cho tới nay, việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được thỏa thuận thương mại hay không vẫn còn là ẩn số. Dù các nhà đàm phán của cả hai bên đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa bên nào nhường bên nào. Trung Quốc khó có thể thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng mà Mỹ muốn. Tổng thống Donald Trump cũng được cho là đang nỗ lực tìm kiếm các cam kết mua thêm nông sản Mỹ từ Trung Quốc, điều mà các chuyên gia tin rằng vượt quá nhu cầu của Bắc Kinh.

Kẻ cắp Giáng sinh

Chứng khoán Mỹ ngày 11-12 tiếp tục giảm điểm liên tiếp 2 phiên do nhà đầu tư lo ngại về hạn chót thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc đang đến gần. Các chỉ số đều đồng loạt giảm 0,1%: Dow Jones giảm còn 27.881,72 điểm; S&P 500 giảm còn 3.132,52 điểm; Nasdaq Composite còn 8.616,18 điểm… Các chuyên gia tài chính quốc tế đều đưa ra tín hiệu tiêu cực khi bình luận về những ảnh hưởng của việc không đạt được thỏa thuận hoãn áp thuế ngày 15-12. Chuyên gia của Manulife Investment Management tại Hồng Công nhận định, nếu Mỹ vẫn áp thuế Trung Quốc, họ sẽ bị coi là kẻ đánh cắp Giáng sinh; Su Trinh, Giám đốc Chiến lược vĩ mô toàn cầu của Manulife Investment Management tại Hồng Công, cho rằng đây sẽ là “cú sốc khổng lồ” với thị trường.

Chris Weston, Giám đốc nghiên cứu của Pepperstone Group, cũng cho rằng đây sẽ là “một ngày điên cuồng”, chỉ số chứng khoán tại thị trường sẽ tuột dốc không phanh, các loại tiền tệ sẽ biến động mạnh gây xáo trộn các nước. Steve Brice, chiến lược gia đầu tư tại Standard Chartered, khuyên rằng khi năm 2019 gần trôi qua và viễn cảnh đạt thỏa thuận thương mại ngày càng xa vời, đã đến lúc các nhà đầu tư nên bỏ bớt các tài sản rủi ro. Dù vậy, trong dài hạn, Brice vẫn lạc quan rằng: “Mỹ và Trung Quốc sẽ ký được thỏa thuận nào đó nhằm giảm bớt thiệt hại do chính họ gây ra”. 

Giám đốc chiến lược đầu tư của Bank of Singapore Eli Lee lại liên tưởng đến bầu cử ở Mỹ: “Khi nền kinh tế đang trong trạng thái mong manh, nếu ông Donald Trump áp thuế Trung Quốc, rủi ro suy thoái sẽ tăng vọt. Nhà Trắng sẽ không muốn tình hình này kéo dài sang dịp bầu cử tổng thống năm 2020”.

Tin cùng chuyên mục