Mỹ thuật ứng dụng - Rộng nhưng hẹp

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng với các sản phẩm, thiết kế tốt sẽ góp phần xây dựng, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa nước nhà. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa được coi trọng, tôn vinh và tạo điều kiện phát triển đúng mức.
Sản phẩm mỹ thuật ứng dụng cho trang trí nội thất
Sản phẩm mỹ thuật ứng dụng cho trang trí nội thất

Những năm qua, quá trình đổi mới, hội nhập đã mở ra nhiều hướng đi và du nhập các luồng nghệ thuật mới cho sáng tạo mỹ thuật. Mỹ thuật ứng dụng hiện đang ngày càng phát triển mạnh, được nhiều làng nghề, nhà máy, công xưởng sản xuất. Tuy nhiên, những sản phẩm thực sự nổi bật, có yếu tố sáng tạo không nhiều.

“Rất khó để lựa chọn những sản phẩm, tác phẩm độc đáo, bởi thị trường tràn ngập mẫu mã na ná, lặp lại lẫn nhau, đặt ra một vấn đề là làm thế nào để có được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng...”, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định.

Nhiều họa sĩ cho rằng, điều nguy hiểm nhất hiện nay là chúng ta để cho văn hóa ngoại lai tràn lan, thể hiện rõ qua những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn thẳng thắn thừa nhận, các sản phẩm thời đại thuộc lĩnh vực thiết kế công nghiệp, dân dụng từ kiến trúc, nội thất cho đến sản phẩm phục vụ du lịch trong nước không thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa Việt Nam. Nhà nghiên cứu, phê bình Phan Cẩm Thượng đưa trường hợp Bát Tràng, làng nghề lâu đời nhất Việt Nam, làm điển hình của sự lai tạp bản sắc. Nhiều sản phẩm của làng nghề được thiết kế kiểu nửa tây, nửa ta, nửa tàu, rồi đến men màu sản phẩm cũng được nhập làm mất đặc trưng của gốm Bát Tràng. Trong khi Nhật Bản, Trung Quốc “toàn thắng” vì sự áp đặt ý tưởng, tạo dáng đậm màu sắc dân tộc, nhất là lĩnh vực thiết kế đồ họa lên toàn bộ nền sản xuất.

Mỹ thuật ứng dụng - Rộng nhưng hẹp ảnh 1 Dù sở hữu đội ngũ thợ giỏi nhưng các làng nghề có nguy cơ biến thành công xưởng làm thuê
Để hoạt động mỹ thuật ứng dụng có hướng đi đúng đắn, gìn giữ được bản sắc dân tộc và những giá trị nhân văn là thử thách không dễ dàng. Với các đơn hàng nhỏ lẻ, chẳng ai dại gì đổ vào đầu tư cho mẫu mã kiểu dáng. Mà đã không đầu tư thích đáng thì thành phẩm cũng chỉ ở cỡ trung bình. Vì thế, để chọn đường dễ, đem lại lợi nhuận cao, nhiều làng nghề tuy sở hữu đội ngũ thợ có tay nghề giỏi, khéo léo nhưng chỉ làm thuê các đơn hàng sản xuất số lượng lớn theo mẫu mã nước ngoài.

Bất cập nhìn thấy rõ hơn là mảng mỹ thuật ngoài trời ở nhiều chung cư, khu đô thị, cũng không mấy nơi có sự đầu tư thích đáng, nghèo nàn về ý tưởng, thường chỉ là sao chép hoặc bê nguyên phong cách nước ngoài về đặt giữa không gian sống của người Việt. Vấn nạn này một phần do tâm lý sính ngoại, phần do nhận thức về thẩm mỹ chưa tốt, nhưng phần nhiều cũng do chính các họa sĩ, nghệ nhân trong nước chưa tạo được dấu ấn của riêng mình. Và khi sản phẩm không thực sự ấn tượng, cũng khó để nhà đầu tư chịu móc hầu bao.

Gần đây, mỹ thuật ứng dụng bắt đầu chuyển mình, nhờ đó đào tạo mỹ thuật ứng dụng cũng nhanh chóng trở thành một trong những nhóm ngành hot của tương lai gần. Các họa sĩ tâm huyết kỳ vọng, với sự lớn mạnh của thế hệ kế tiếp, mỹ thuật ứng dụng trong nước sẽ có bước tiến vững chắc để có thể có được vị trí trên chính sân nhà.

Tin cùng chuyên mục