Mỹ tăng kiềm chế lạm phát

Lo ngại sâu sắc về lạm phát đã khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra nhiều biện pháp kiềm chế, trong đó có việc chuẩn bị nâng lãi suất từ mức gần bằng 0% hiện nay lên khoảng 2,5%. Bên cạnh đó, FED cũng yêu cầu các ngân hàng gia tăng dự trữ tiền tệ và giảm quy mô các gói kích thích kinh tế.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: TTXVN
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: TTXVN

Người nghèo bị ảnh hưởng nặng

Giá cả tại Mỹ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm khiến các quan chức ngày càng lo ngại về việc kiểm soát lạm phát. Hiện chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ (CPI) đứng ở mức 7,9% trong 12 tháng qua. Nhiều nhà kinh tế Mỹ nhận định lẽ ra FED nên tăng lãi suất sớm hơn vì tăng lãi suất không kịp thời có thể phản tác dụng, thậm chí gây giảm phát. Trong phần lớn thời gian của năm 2021, FED tuyên bố có các công cụ để làm chậm đà tăng giá, nhưng không cần thiết phải sử dụng. Giờ đây, có vẻ như FED đang chạy đua với thời gian để chống chọi lạm phát trên quy mô lớn. Kể từ ngày 1-3, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 năm đã tăng hơn 1%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1-2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo Reuters, nhiều quan chức FED cho biết đã chuẩn bị tăng lãi suất với mức tăng 2,5% trong các cuộc họp chính sách sắp tới để cố gắng kiểm soát giá cả. FED cũng giảm bơm tiền vào thị trường đã có từ thời kỳ kích cầu do đại dịch Covid-19. Chính sách này khiến lãi suất cho vay cao hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp và tăng rủi ro cho nền kinh tế như làm tăng các khoản vay thế chấp, cho vay mua ô tô, thẻ tín dụng và các khoản vay doanh nghiệp. 

Lạm phát tăng vọt đang gây tác hại cho các hộ gia đình trên khắp nước Mỹ và gánh nặng đặc biệt lớn đối với các hộ nghèo. Theo CNN, các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn chi tiêu 77% thu nhập  cho các nhu cầu thiết yếu. Con số này chỉ là 31% của các hộ gia đình có thu nhập cao hơn. Nghiên cứu từ Cục Thống kê lao động của Mỹ cho thấy giá tiêu dùng của những người Mỹ có thu nhập thấp nhất tăng nhanh hơn so với lạm phát tổng thể từ năm 2003 đến năm 2018. Theo ông David Argente, trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Penn State, chênh lệch lạm phát giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng bất chấp tiền lương đang tăng lên. Các nhà kinh tế lo ngại rằng nếu giá cả tiếp tục tăng kéo dài, người tiêu dùng sẽ dần trì hoãn mua hàng, điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Rủi ro tiềm tàng

Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp cấm vận đơn phương chống lại Nga và buộc các nước khác phải tuân theo các biện pháp này. Dù vậy, các biện pháp cấm vận này đã gây ra tổn hại không chỉ cho Nga mà còn cho cả Mỹ và nền kinh tế toàn cầu. Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế lưu ý rằng cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt lớn chống lại Nga đã gây ra sự suy giảm thương mại toàn cầu, làm tăng chi phí lương thực và năng lượng, buộc tổ chức này phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. 

Rõ ràng, nếu Mỹ leo thang thêm các lệnh trừng phạt, một cuộc khủng hoảng lớn có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, tài chính, năng lượng, thực phẩm và chuỗi cung ứng và công nghiệp, tàn phá nền kinh tế toàn cầu vốn đã tăng trưởng chậm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo CNBC, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với hàng loạt rủi ro tiềm tàng chưa từng có. Trong một bức thư gửi các cổ đông, ông Dimon cho rằng, Mỹ phải sẵn sàng cho khả năng cuộc xung đột kéo dài với những kết cục khó lường cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Còn trong bài viết đăng ngày 7-4 trên trang tin tức stuff.co.nz của New Zealand, tác giả - nhà báo Lisa Bernhard, cho rằng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của FED dù cần thiết nhưng sẽ gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới.

Tin cùng chuyên mục