Mỹ ra tối hậu thư về thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran, đồng nghĩa với việc thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 vẫn được duy trì. 
Một nhà máy hạt nhân ở Isfahan, Iran
Một nhà máy hạt nhân ở Isfahan, Iran
Tuy nhiên, ông  Donald Trump đã đưa ra thời hạn 120 ngày để Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Iran.
Sửa chữa sai lầm 
Theo tuyên bố của ông Donald Trump, thời hạn này để sửa chữa những điều mà ông cho là sai lầm thảm họa trong thỏa thuận hiện nay mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Thỏa thuận mới theo hình dung của ông Donald Trump sẽ chỉ có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp và Đức và sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn đối với Iran nếu tiếp tục nới lỏng các lệnh trừng phạt. Cụ thể, thỏa thuận đó sẽ không hết hiệu lực sau 10 năm giống như thỏa thuận hiện nay mà sẽ áp đặt vĩnh viễn các hạn chế đối với không chỉ các nhà máy hạt nhân của Iran mà cả chương trình tên lửa của nước này. Ông Donald Trump cũng nhắc lại chính sách của ông là ngăn chặn mọi ngả đường để Tehran vĩnh viễn không thể sở hữu vũ khí hạt nhân. 
Tuyên bố mới của nhà lãnh đạo Mỹ khiến dư luận đặt câu hỏi liệu Tổng thống Donald Trump đang thực sự  muốn đàm phán lại thỏa thuận, hay chỉ là cách để giúp thỏa thuận tồn tại dưới chính sách bảo hộ luật pháp cứng rắn của Mỹ. Việc buộc Iran phải đồng ý cho phép thanh sát quốc tế hay không có thời  hạn cụ thể giới hạn các hoạt động hạt nhân của nước này là điều không thể. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, chỉ với một quyết định không nới lỏng trừng phạt, Mỹ có thể chấm dứt hiệu quả thỏa thuận này. Tuy nhiên, với tối hậu thư mới, Tổng thống Mỹ đang tránh nguy cơ bị cô lập quốc tế. Theo giới quan sát, bước đi của ông Donald Trump nhằm cho thấy ông không tự tay xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Vì vậy, với việc tiếp tục cam kết và đảm bảo Iran không nhận được các lợi ích kinh tế, nhiều khả năng  Iran phải tự tay xé bỏ thỏa thuận.
Iran cứng rắn
Phản ứng ngay sau đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif  cho rằng các tuyên bố của ông Donald Trump là những mưu toan liều lĩnh nhằm phá hoại một thỏa thuận đa phương vững chắc. Ông Zarif cho rằng không thể đàm phán lại JCPOA, nói đúng hơn là Mỹ phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này giống như Iran. Hiện hai nước đang gia tăng căng thẳng sau những cáo buộc Mỹ can thiệp vào cuộc biểu tình bạo động tại Iran diễn ra vào cuối tháng 12-2017. Bộ Tài chính Mỹ vừa áp đặt lệnh trừng phạt lên 14 cá nhân và các tổ chức ở Iran với cáo buộc nhân quyền. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng cho biết Mátxcơva đánh giá tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran là cực kỳ tiêu cực. 
Về phía châu Âu, các quốc gia  tham gia đàm phán JCPOA đã lần lượt có những phản ứng thận trọng sau tuyên bố của ông Donald Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức và Anh cho biết sẽ thảo luận với Pháp trước khi đưa ra quyết định hành động. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 11-1 nhấn mạnh quyết tâm của Pháp về việc tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận này cũng như tầm quan trọng của việc tất cả các bên ký kết phải tôn trọng thỏa thuận. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini, cũng đã lên tiếng kêu gọi Mỹ bảo vệ và duy trì thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, giới quan sát châu Âu đã lên tiếng thừa nhận rằng tình hình này cho thấy công việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ trở nên phức tạp hơn.

Tin cùng chuyên mục