Mỹ phản đối lên LHQ yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 2-6 (giờ Washington) cho biết Mỹ đã gửi phản đối đối với những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc tới Liên hiệp quốc (LHQ), cho rằng những yêu sách này là bất hợp pháp. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á tiếp tục có nhiều động thái mới nhằm đối phó với hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Quân đội Mỹ tập trận ở Philippines trong năm 2019
Quân đội Mỹ tập trận ở Philippines trong năm 2019

Bất hợp pháp và nguy hiểm

Trên tài khoản Twitter, ông Pompeo nêu rõ: “Chúng tôi bác bỏ những yêu sách chủ quyền bất hợp pháp và nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước thành viên LHQ cần đoàn kết để bảo vệ luật pháp quốc tế và quyền tự do trên biển”. Trước đó, ngày 1-6, trong thư gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, đại diện Mỹ tại LHQ, Đại sứ Kelly Craft đề cập tới công hàm của Trung Quốc ngày 12-12-2019 phản đối việc Malaysia gửi bản đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ.

Đại sứ Kelly Craft lưu ý rằng Mỹ phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và cho rằng những yêu sách này đi ngược Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bà Kelly Craft cũng đề nghị Tổng Thư ký Guterres cho lưu hành bức thư này tới tất cả các nước thành viên như một văn bản cho chương trình nghị sự của Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ.

Đại sứ Mỹ tại LHQ nhấn mạnh, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, can thiệp trái phép vào quyền và tự do của Mỹ cũng như các nước thành viên khác. Trong Công hàm gửi LHQ, Mỹ bác bỏ khái niệm “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông, cho rằng điều này vượt quá quyền được nêu trong Công ước Luật Biển và đã được Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 phán quyết là không phù hợp với Công ước Luật Biển. Công hàm cũng khẳng định, phán quyết năm 2016 là cuối cùng và có giá trị pháp lý.

Công hàm nêu rõ, bằng cách tuyên bố chủ quyền với vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, Trung Quốc đã hạn chế quyền và tự do, trong đó có tự do hàng hải mà các nước được hưởng. Mỹ, một lần nữa, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế; tuân thủ quyết định của Tòa Trọng tài năm 2016 và chấm dứt các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông.

Đông Nam Á cảnh giác

Trước công hàm của Mỹ, Malaysia, Việt Nam và Indonesia cũng đã có nhiều công hàm gửi LHQ phản đối các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong động thái mới nhất, theo CNN, Philippines đã đảo ngược quyết định chấm dứt thỏa thuận quân sự quan trọng với Mỹ khi căng thẳng lãnh hải với Trung Quốc nóng lên ở Biển Đông.

Theo Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định giữ lại Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) với Mỹ “trong bối cảnh phát triển chính trị và các vấn đề khác trong khu vực”. Thỏa thuận được ký vào năm 1988, cho phép máy bay và tàu quân sự của Mỹ vào Philippines tự do cũng như nới lỏng các hạn chế về thị thực cho quân nhân Mỹ. Đại sứ quán Mỹ tại Manila, Philippines ra tuyên bố: “Liên minh lâu dài của chúng tôi đã mang lại lợi ích cho cả hai nước và chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh, quốc phòng với Philippines”.

Trong khi đó, có nhiều thông tin về khả năng Trung Quốc tuyên bố Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Tờ South China Morning Post mới đây đưa tin, Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho một ADIZ trên Biển Đông kể từ năm 2010. Báo trích dẫn một nguồn tin quân sự Trung Quốc giấu tên cho biết ADIZ sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp, bao gồm toàn bộ Trường Sa, Hoàng Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam) và quần đảo Đông Sa (hiện do Đài Loan kiểm soát). ADIZ Biển Đông mà Trung Quốc đề xuất sẽ bao phủ một khu vực rộng lớn. Các chuyên gia cho rằng việc thực thi sẽ đưa ra những thách thức hậu cần lớn cho lực lượng không quân Trung Quốc và có thể gây ra phản ứng ngoại giao.

Tin cùng chuyên mục