Mỹ phẩm dỏm tràn lan

Các loại mỹ phẩm “núp bóng” hàng cao cấp xách tay qua đường hàng không, nhờ người thân từ nước ngoài chuyển về… xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. 
Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một kho hàng vi phạm
Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một kho hàng vi phạm
Qua các trang mạng xã hội, mỹ phẩm dỏm phát tán mạnh mẽ hơn khiến người tiêu dùng không dễ phát hiện. Thậm chí, ngay cả doanh nghiệp bị làm giả, nhái thương hiệu cũng thừa nhận rất khó phân biệt nếu chỉ căn cứ vào đánh giá cảm quan.  
Ở góc độ cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, hải quan…), các đơn vị cho biết thường xuyên ra quân kiểm tra những cơ sở có dấu hiệu nghi vấn sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm dỏm nhưng…  không xuể. 
Gắn mác hàng cao cấp xách tay 
Các thương hiệu mỹ phẩm sản xuất tại những quốc gia tên tuổi như Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… luôn được người tiêu dùng săn lùng và giá cả phụ thuộc vào phân khúc sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Tuy vậy, các sản phẩm chính hãng rất khó có giá rẻ, dù thỉnh thoảng cũng được khuyến mãi, giảm giá từ các nhà phân phối thứ cấp.
Gần đây, thị trường trong nước nổi lên xu hướng tiêu dùng các sản phẩm xuất xứ từ Nhật Bản, sau thời gian nguồn hàng này bị phía bên Nhật Bản kiểm soát gắt gao do có tình trạng hàng xách tay không rõ nguồn gốc (hàng bị trộm cắp…). Hàng loạt sản phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ, người lớn tuổi, nam giới, trẻ em… đều bày bán đủ loại tại các cửa hàng.
Chẳng hạn, son dưỡng môi (loại thường) xách tay từ Nhật Bản có giá dao động 300.000 - 400.000 đồng/cây, son môi cùng loại nhưng thương hiệu Chanel (hàng nội địa Nhật Bản) có giá từ 1,2-1,3 triệu đồng/cây.
Tuy vậy, rảo một vòng tại các điểm bán ở quanh các khu chế xuất - khu công nghiệp, chợ truyền thống (quận 7, Bình Tân, quận 10), mức giá chỉ còn 100.000 - 200.000 đồng/cây son hoặc hộp phấn trang điểm cùng thương hiệu này. 
Để khách hàng yên tâm, người bán khẳng định sản phẩm là hàng… xách tay, còn sót lại vài món nên muốn đẩy hàng cho nhanh. Không chỉ bán trực tiếp với giá rẻ, các cửa hàng trực tuyến còn sẵn sàng khuyến mãi, giảm giá từ 20% - 50%, có nơi giảm giá tới 70% sản phẩm chì kẻ mắt, son môi, phấn nền của các thương hiệu mỹ phẩm nhập nổi tiếng. Người bán bật mí rằng, nguyên nhân giá rẻ do hầu hết các sản phẩm này đều né được thuế, mặt bằng, chi phí quảng cáo khác nữa… 
Một cán bộ phụ trách chống buôn lậu, gian lận thương mại của Cục Hải quan TPHCM cho biết, tâm lý người tiêu dùng Việt rất chuộng hàng của các nước nói trên vì sản phẩm chất lượng, an toàn.
Những năm gần đây, hải quan TP cùng một số lực lượng liên ngành đã ngăn chặn một số vụ buôn lậu mỹ phẩm khá lớn với những thương hiệu nổi tiếng. Trong đó, nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, thông tin từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường TP đã kiểm tra, phát hiện khoảng 200 vụ vi phạm liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm (nước hoa, kem trắng da, sữa tắm…).
Cụ thể, gồm 160 vụ buôn bán hàng hóa không hóa đơn chứng từ; 8 vụ kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc; 6 vụ kinh doanh hàng giả; 14 vụ vi phạm nhãn hàng hóa…
Khách hàng lãnh đủ
Chị Hồng Vân, ngụ quận Gò Vấp (TPHCM), đang làm ở một công ty truyền thông, chia sẻ: “Tôi quen dùng mỹ phẩm của Shiseido (Nhật Bản). Vì nể người bạn từ thời phổ thông bán hàng mỹ phẩm xách tay trên mạng nên đã mua ủng hộ hộp phấn nền với giá ưu đãi 200.000 đồng, thay vì mua giá gốc hơn 700.000 đồng. Ngày đầu tiên xài thấy tạm ổn, dù hơi ngứa, khó chịu trên mặt đôi chút. Những ngày sau đó, sản phẩm có dấu hiệu bết dính, vón cục, sợ quá nên tôi bỏ luôn. Vì đó là hàng xách tay nên không hóa đơn chứng từ, không nhãn phụ tiếng Việt, có muốn phản hồi cũng… bó tay. Dù được người bạn hứa đổi trả sản phẩm khác nhưng vẫn thấy lo nên tôi bỏ luôn”.
Ghi nhận sơ bộ tại một vài bệnh viện lớn ở TPHCM như Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Đại học Y Dược, cho thấy nhiều chị em bị dị ứng, nám mặt, sưng rộp mặt, mụn mủ; thậm chí bị teo da, chảy dịch… do dùng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, dùng hàng trôi nổi.
Trường hợp của chị Hồng Vân nói trên còn khá may mắn vì đã chủ động ngưng sử dụng sớm. Với chị N.Y. (quận Thủ Đức, TPHCM), người đã từng sử dụng sản phẩm trị nám của Công ty E. Việt Nam, thì có sự ám ảnh đáng sợ, vì ngay sau khi dùng sản phẩm đã khiến chị bị bỏng rát, sưng phù, nám đậm hơn.
Còn đối với chị N.N.H. (ở tỉnh Bình Dương), sau khi dùng sản phẩm trắng da (không nhớ rõ tên) bán tại TP Thủ Dầu Một được vài tháng, làn da chị bắt đầu mỏng dần, sau đó sạm đen. 
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân mặt sưng đỏ, da mỏng và ngứa, nổi nhiều mụn mủ… Chị này cho biết đã sử dụng kem trộn mua ở tiệm tạp hóa gần nhà, có tác dụng chống lão hóa, căng trẻ làn da…
Bác sĩ tại bệnh viện tiến hành kiểm tra, làm một số xét nghiệm và đưa ra kết luận sản phẩm mà nữ bệnh nhân dùng có chứa chất Corticoide, nếu dùng không đúng cách sẽ gây ra các tổn thương da rất nặng, khó hồi phục.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Thiên Tài, công tác tại Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các loại mỹ phẩm phù hợp với làn da của mình và có sự tư vấn của thầy thuốc. Tuyệt đối tránh dùng các sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… 

Tin cùng chuyên mục