Mỹ - Kế hoạch cải cách thuế gây tranh cãi

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố gói cải cách thuế lớn nhất trong vòng 3 thập kỷ tại nước này, điều mà ông Donald Trump gọi là những thay đổi mang tính cách mạng có lợi cho người dân và doanh nghiệp, để người dân Mỹ “có thể hoàn thành giấc mơ và chiến thắng trở lại”. 
Cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump được cho là không mang lại lợi ích cho người nghèo nước Mỹ
Cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump được cho là không mang lại lợi ích cho người nghèo nước Mỹ
Tuy nhiên, kế hoạch cải cách thuế trên đang vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích và sẽ đối mặt với một cuộc chiến pháp lý “nảy lửa” tại Quốc hội Mỹ.
Chỉ lợi cho người giàu
Theo đề xuất mới, Mỹ sẽ hạ thuế thu nhập cá nhân cho những người thu nhập cao từ 39,6% xuống còn 35%; tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế tiêu chuẩn; đưa ra quy định về một khoản thu nhập nhất định không phải đóng thuế cho tất cả người dân. Giảm ngạch thuế đối với thu nhập cá nhân xuống còn 3 mức (12%, 25% và 35%) so với 7 mức trước đây. Đối với doanh nghiệp, dù không đề xuất giảm thuế xuống còn 15% như cam kết tranh cử, song Tổng thống Donald Trump đề nghị áp thuế doanh nghiệp 20% thay cho mức 35% hiện nay, loại bỏ thuế bất động sản… Tổng thống Donald Trump tuyên bố gói đề xuất mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm.
Tuy nhiên, tờ New York Times (NYT) cho rằng, kế hoạch cải cách thuế của ông Donald Trump chỉ có lợi cho người giàu. Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực chất chỉ giúp cho những người sở hữu phần lớn cổ phần trong các công ty. Chưa hết, người giàu nước Mỹ, trong đó có cả Tổng thống Donald Trump, còn được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế bất động sản. Theo ước tính, việc bỏ thuế này chỉ tác động đến vài ngàn gia đình giàu có của Mỹ.
Trong khi đó, dù nhiều lần tuyên bố sẽ giảm thuế cho các gia đình trung lưu nhưng Tổng thống Donald Trump không đưa ra chi tiết cụ thể cho thấy ông sẽ thực hiện cam kết trên. Có thể một số hộ gia đình sẽ được cắt giảm thuế, nhưng một số khác sẽ phải trả thêm. Gói cải cách này cũng không đem lại lợi ích cho những người có thu nhập thấp, khi ông Donald Trump không đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế theo số lương giúp người lao động có thể nhận được nhiều tiền hơn hoặc tăng tín thuế thu nhập (EITC) giúp người lao động có thêm khoản tiền lương hỗ trợ…
Cuộc chiến ở Quốc hội
Giới quan sát nhận định, nhiều khả năng đảng Dân chủ sẽ phản đối kế hoạch cải cách giảm thuế cho người giàu. Nhưng trên thực tế, trở ngại trước mắt của kế hoạch cải tổ thuế khóa lại xuất phát từ đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump, vì Hạ viện với phe đa số của đảng này đang có một kế hoạch cải cách do chủ tịch Ủy ban Tài chính và thuế vụ là nghị sĩ Kevin Brady soạn thảo với khá nhiều khúc mắc phải dung hòa với đề nghị của bên hành pháp, đặc biệt là loại thuế gọi là điều chỉnh mậu biên trên các nghiệp vụ xuất nhập khẩu với nhiều hậu quả về ngoại thương. Trở ngại chính trị còn đến từ kế sách thay thế ObamaCare, với hiệu ứng rất cao liên quan đến thuế khóa và nguồn thu ngân sách. Hiện nước Mỹ đang có 6 phe tranh cãi về thuế khóa: phe tả và cực tả trong đảng Dân chủ; 3 phe bảo thủ, ôn hòa và cấp tiến trong đảng Cộng Hòa và phe thứ 6 là chính quyền Tổng thống Donald Trump hay có phản ứng bất ngờ.
Cuối cùng, căn bản nhất, Mỹ cần có kế hoạch thuế khóa gọi là quân bình, là không gây thêm bội chi ngân sách, nên nếu có giảm thu thì cũng phải giảm chi, trong khi các chính trị gia đều muốn tăng chi để lấy lòng cử tri. Vì vậy, nhiều nhà phân tích, nhận định, kế hoạch cải cách thuế khó có thể thông qua trong năm nay và nhiều khả năng sẽ phải chờ sang năm 2018. Và từ nay đến lúc cải cách thuế có hiệu lực, Chính phủ Mỹ và cá nhân Tổng thống Donald Trump sẽ phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều ồn ào từ các chính khách và báo chí nước này.

Tin cùng chuyên mục