Mỹ - EU hợp tác tìm nguồn cung khí đốt mới

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, dự kiến đến Mỹ vào ngày 7-2 (giờ địa phương), để họp song phương với Ngoại trưởng nước chủ nhà Antony Blinken nhằm thảo luận các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự quốc tế. Một trong những chủ đề chính là hợp tác đảm bảo an ninh năng lượng.

Biện pháp dự phòng

Theo kế hoạch, tại Washington, ông Borrell sẽ cùng Ngoại trưởng Blinken đồng chủ trì cuộc họp Hội đồng Năng lượng EU - Mỹ. Tham dự cuộc họp còn có Ủy viên EU phụ trách năng lượng Kadri Simon và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm.

Hội đồng Năng lượng EU - Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác về an ninh năng lượng và cam kết chung nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sang công bằng và trung lập với khí hậu cho các công dân của EU, Mỹ và trên toàn cầu.

Sự kiện này diễn ra vào thời điểm quan trọng nhằm giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng trong bối cảnh giá cả biến động mạnh. Hai bên đang tích cực phối hợp trong việc tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế trong trường hợp hoạt động cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu gặp gián đoạn.

Theo giới chuyên gia, căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng thời gian gần đây đã phủ bóng đen lên thị trường năng lượng ở châu Âu - vốn đã chứng kiến sự tăng giá khí đốt lên mức kỷ lục vào cuối năm 2021. Nga hiện cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho châu Âu và là nhà cung khí đốt lớn nhất cho châu lục này.

Trước tình hình đó, EU đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế, đặc biệt là bằng cách tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). EU đang xem xét tất cả các lựa chọn và kịch bản, bao gồm việc hợp tác với các đối tác trong trường hợp Nga giảm hoặc tạm dừng cung cấp khí đốt.

Mỹ - EU hợp tác tìm nguồn cung khí đốt mới ảnh 1 Đường ống cung cấp khí đốt của Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức

Để đảm bảo không để xảy ra tình trạng bị thiếu khí đốt tại đồng minh châu Âu, Mỹ còn nỗ lực tiếp xúc với các nước nhập khẩu khí thiên nhiên châu Á. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiếp xúc với các nước sản xuất khí đốt như Qatar, Nigeria, Ai Cập, Libya để thảo luận về việc tăng sản lượng khi xảy ra tình huống nguy cấp.

Dự trữ khí đốt sụt giảm

Giới chức EU cũng đang thảo luận với các nước châu Á về việc ký hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn theo hình thức hoán đổi. Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản chưa có phản ứng gì.

Một phái đoàn của EU đã tới Azerbaijan nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung khí đốt. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác với Israel về cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Giới chức hai nước sẽ bàn về vấn đề này trong khuôn khổ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Israel vào giữa tháng 3 tới. Ankara cũng đang thảo luận việc ký một hợp đồng với Iraq về cung cấp khí đốt tự nhiên.

Hiện nay, cuộc khủng hoảng khí đốt đang được xoa dịu ở châu Âu nhờ thời tiết tương đối ôn hòa. Tuy nhiên, thống kê mới nhất về năng lượng châu Âu đang gây lo ngại. Theo Cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, tính đến đầu tháng 3, khối lượng khí đốt khả dụng trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu thấp hơn 27% so với mức cùng kỳ năm trước (13,4 tỷ m3).

Tập đoàn Gazprom (Nga) nhận định, xu hướng lượng khí đốt tự nhiên lưu trữ ở châu Âu sụt giảm nhanh chóng tiếp tục diễn ra kể từ ngày 11-1, đưa khối lượng dự trữ xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Dự trữ khí đốt tự nhiên giảm mạnh được cho là do nhu cầu gia tăng, bắt nguồn từ việc gia tăng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất điện gió, cho hiệu quả thấp.

Tin cùng chuyên mục