Mỹ đối mặt nguy cơ kép về kinh tế và năng lượng

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa nhận định, nước này đang đối mặt với nguy cơ kép về kinh tế và năng lượng. Nguyên nhân do các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát có thể làm chậm đà tăng trưởng và giá khí đốt tăng mạnh trong mùa đông năm nay sẽ làm vấn đề phục hồi càng khó khăn.
Người dân Mỹ sẽ phải trả hóa đơn năng lượng với mức cao trong mùa đông tới. Ảnh: AP
Người dân Mỹ sẽ phải trả hóa đơn năng lượng với mức cao trong mùa đông tới. Ảnh: AP

Giải 2 bài toán khó

Về kinh tế, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, bà Yellen cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang hướng đến mục tiêu “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế lớn nhất thế giới - khi giảm dần lạm phát về mức 2% mà không gây suy thoái. “Tôi tin rằng có cách để đạt được mục tiêu đó. Về lâu dài, không có lý gì một thị trường lao động vững mạnh lại không (góp phần) kiểm soát được lạm phát”, bà Yellen nói. Trước đó, FED đã công bố báo cáo Beige Book về tình hình kinh tế. Đây là một trong những tài liệu quan trọng được thị trường chờ đợi, bởi tài liệu này chứa đựng các dữ liệu quan trọng phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Báo cáo này thường được FED đưa ra 2 tuần trước khi Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - tiến hành các cuộc họp. 

Báo cáo nhận định lạm phát giữ ở mức cao khiến giá các mặt hàng như thực phẩm, chi phí thuê nhà, các dịch vụ tiện ích, khách sạn vẫn duy trì đà tăng, tuy nhiên mức tăng tại một số vùng chỉ là tương đối. Báo cáo cho rằng, áp lực này dù đã giảm bớt trong tháng qua, song còn có thể kéo dài ít nhất tới cuối năm nay, trong bối cảnh chi phí đầu vào sản xuất và xây dựng còn cao. Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ tăng trưởng khiêm tốn, dù nhu cầu vẫn cao, mức lương của người lao động cũng tăng chậm lại.

Về năng lượng, bà Yellen cảnh báo người dân nước này về khả năng giá khí đốt tăng mạnh trong mùa đông năm nay khi Liên minh châu Âu (EU) giảm đáng kể việc mua dầu mỏ từ Nga. Trước đó, nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí kế hoạch áp mức trần về giá đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Theo đó, kêu gọi các nước tham gia từ chối cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm, tài chính, môi giới, hoa tiêu... cho các chuyến tàu biển chở dầu của Nga có mức giá trên giá trần áp đặt đối với dầu thô và các sản phẩm dầu. Mức giá trần hiện chưa được ấn định.

Liệu có tránh khỏi?

“Một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi trong 12-18 tháng tới”, cựu Chủ tịch FED ở New York Bill Dudley đã viết như vậy trong một bài báo gần đây của Bloomberg. Theo bài viết, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy, GDP quý 2-2022 của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 1,6% trong quý 1-2022. Thông thường, 2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm được xem là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy một cuộc suy thoái đang diễn ra.

Hiện các thị trường tài chính đang đặt cược vào FED theo những cách khác. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã vượt lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm với biên độ cao nhất trong khoảng 22 năm. Hiện tượng đó được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, là một dấu hiệu suy thoái đáng kể, đặc biệt khi nó diễn ra trong thời gian dài. Trong trường hợp này, sự đảo ngược đã diễn ra từ đầu tháng 7. Ông Bill Dudley nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng FED đang quá “diều hâu” vào thời điểm nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và thị trường tài chính gặp khó khăn. Mỹ sẽ phải đối mặt với suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau”. Desmond Lachman, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cũng nhận thấy, 2 quý âm liên tiếp là định nghĩa phổ biến của suy thoái. Nhưng quyết định chính thức về việc liệu Mỹ có suy thoái hay không là nhiệm vụ của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER).

Tin cùng chuyên mục