Mỹ cắt giảm thuế và tác động với kinh tế toàn cầu

Theo báo Christian Science Monitor, chỉ trong vòng vài giờ sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cắt giảm thuế lịch sử, có ít nhất 5 công ty thông báo họ sẽ tăng tiền thưởng cho công nhân, tăng các khoản đầu tư liên quan đến nhân viên hoặc tăng lương khởi điểm. 
Dự báo sau khi cắt giảm thuế, đầu tư vào Mỹ sẽ gia tăng
Dự báo sau khi cắt giảm thuế, đầu tư vào Mỹ sẽ gia tăng

Tuy nhiên, vẫn có quan ngại về khả năng tăng thâm hụt ngân sách và tăng các tranh chấp thương mại với nhiều nước trên thế giới.

Lợi và hại

Đây là cách mà đảng Cộng hòa mong muốn nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, tạo nhiều việc làm mới và thu được nhiều tiền hơn thông qua tiêu dùng nhờ mức lương cao hơn và cắt giảm thuế. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế có thể nhảy vọt một phần do cắt giảm thuế của doanh nghiệp dẫn đến việc thu hút tiền của một số công ty đa quốc gia từ nước ngoài đầu tư vào Mỹ.

Ủy ban hỗn hợp của Quốc hội về thuế đánh giá dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 0,7%/năm  trong vòng 10 năm sau khi cắt giảm thuế. Trong khi một số viễn cảnh lạc quan đánh giá con số tăng sẽ gấp đôi tăng trưởng GDP hàng năm (tức trên 2%/năm).

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lo ngại về tình hình thâm hụt ngân sách liên bang lớn hơn. Khi Tổng thống Ronald Reagan thực hiện cắt giảm thuế năm 1981, Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ kinh tế kéo dài nhiều năm sau đó. Khoản nợ công của Mỹ khi đó chiếm 25% GDP nhưng giờ đây đã là 76%. Điều đó sẽ rất nguy hiểm khi phải giải quyết các trường hợp khẩn cấp như suy thoái kinh tế cần phải có nhiều gói kích thích.

Ông Joel Slemrod, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu chính sách thuế của Đại học Michigan, nói: “Đó là một canh bạc rất lớn. Lợi ích chính trị từ việc này phụ thuộc vào một hiệu ứng kinh tế không rõ ràng.”

Ngoài ra, việc cắt giảm thuế của ông Reagan diễn ra khi diễn ra cuộc suy thoái sâu năm 1981-1982. Việc cắt giảm thuế của ông Donal Trump có vẻ không đúng thời điểm khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng vững chắc.

Viễn cảnh cạnh tranh khốc liệt

Theo New York Times, các nhà lãnh đạo châu Âu vừa đưa ra cảnh báo viễn cảnh của một cuộc chiến thương mại, có nghĩa là họ có thể chống lại các luật thuế mới của Mỹ trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các quan chức Trung Quốc cũng đang chuẩn bị các biện pháp “phòng thủ” trước chính sách giảm thuế của Mỹ để bảo vệ nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của nước này. Tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ giờ đây chỉ còn 21% so với 35% trước đây.

Các quốc gia như Australia, Pháp, Đức và Nhật Bản, tất cả đều có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất là 30%, sẽ phải chịu áp lực cắt giảm theo. Trung Quốc, một mục tiêu thường xuyên của ông Donald Trump về các hoạt động thương mại, cũng có thể bị buộc phải chơi trò chơi thuế.

Tại Trung Quốc, với tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp chuẩn là 25%, các công ty còn phải đóng góp bảo hiểm xã hội và các khoản thanh toán khác đẩy gánh nặng thuế của họ ở mức cao hơn nhiều nước khác.

Theo Tân Hoa Xã, tuần trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu đã cam kết “thực hiện các biện pháp chủ động” để đối phó với việc cải cách lớn về thuế. Theo ông, tác động bên ngoài của việc thay đổi chính sách thuế trong nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể bỏ qua.

Theo quan điểm quốc tế, cạnh tranh thuế hợp lý có tác động tích cực bằng cách giảm gánh nặng thuế doanh nghiệp, thúc đẩy các nước tiếp nhận vốn và công nghệ nước ngoài, tăng cường đổi mới kỹ thuật và mở rộng cơ sở thuế. Tuy nhiên, sự cạnh tranh quá mức về thuế có thể gây ra phản ứng dây chuyền toàn cầu, gây áp lực cạnh tranh đối với các nước khác.

Theo báo cáo của Trung tâm kinh tế và nghiên cứu kinh doanh ở London (CEBR), đến năm 2032, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ là 3 trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, vào thời điểm đó, Mỹ cũng đành “ngậm ngùi” nhường lại vị trí “bá chủ” cho Trung Quốc. 

Tin cùng chuyên mục