Muốn thay đổi tâm lý coi nặng thành tích, trước hết người lớn phải làm gương

Tham gia diễn đàn “Chống bệnh thành tích trong giáo dục”, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo SGGP online xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, vấn nạn “ngồi nhầm lớp, chạy bằng cấp” vẫn tồn tại dai dẳng, gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Muốn thay đổi tâm lý coi nặng thành tích, trước hết người lớn phải làm gương ảnh 1 TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
TS BÙI SỸ LỢI: Bằng cấp là điều kiện cần, đánh giá, ghi nhận quá trình học tập, phấn đấu của mỗi cá nhân. Đối với các cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý trong bối cảnh hiện nay thì yêu cầu về bằng cấp là hợp lý, bởi không học hành bài bản không thể có đủ kiến thức, tư duy lý luận để quản lý xã hội. Các cụ ta xưa có câu “Nhân bất học bất tri lý” (người không có học không hiểu được lý lẽ). Thực tiễn cũng có những người không được học hành bài bản vẫn có năng lực cá nhân vượt trội nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt.

Tất nhiên, bằng cấp chưa phải là điều kiện đủ trong khi quả thực hiện nay đang tồn tại tâm lý quá nặng về bằng cấp. Đòi hỏi nhiều thứ bằng cấp (một số trường hợp không hợp lý, không cần thiết) sẽ dẫn đến việc người ta phải cuống cuồng học vội, thi vội, không đảm bảo “tiêu hóa” được lượng kiến thức cần thiết; thậm chí tệ hơn nữa là đi mua bằng. Trong khi đó hình thức thi tuyển lại chưa được triển khai một cách có chất lượng.

Ông có thể nêu một vài dẫn chứng về việc đòi hỏi bằng cấp không cần thiết?

- Ví dụ gần đây nhất là tại phiên họp Chính phủ đầu tháng 12 vừa qua, Chính phủ đã quyết định xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung vì các kỹ năng cần thiết liên quan đến hai lĩnh vực này đã nằm trong chương trình đào tạo của các chức danh này. Trong xã hội ta cũng có thể thấy rất nhiều ví dụ. Với những người lao động trực tiếp thì kỹ năng tay nghề quan trọng hơn bằng cấp lý thuyết, “trăm hay không bằng tay quen” nhưng nhiều nơi vẫn đòi hỏi bằng cấp đại học... Bằng cấp chỉ là để chứng minh năng lực làm được những việc mà vị trí công tác đó yêu cầu chứ không phải để cho “đủ lệ bộ”!

Có thể hiểu ý ông là các yêu cầu về bằng cấp hiện nay cần rà soát để chỉ giữ lại những loại bằng cấp thực sự cần thiết?

- Đúng. Vị trí công việc không cần đến những kỹ năng bổ trợ khác thì không yêu cầu khiến người ta đối phó, vừa lãng phí, vừa dễ nảy sinh tiêu cực. Tôi muốn nhấn mạnh là bằng cấp phải thực chất. Đây là việc rất khó, liên quan đến các tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục đào tạo. Về lâu dài, cần kiên quyết thực hiện chủ trương phân luồng giáo dục mà chúng ta đã khẳng định sự cần thiết từ lâu nhưng vẫn chưa làm tốt. Hết cấp 2 có một bộ phận đi học nghề, số khác tiếp tục học lên; đến hết THPT cũng tương tự, một bộ phận học cao đẳng, trung cấp nghề, còn khoảng 30% học đại học thôi là phù hợp với cơ cấu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế mà tôi cho là phù hợp: mở cửa thông thoáng đầu vào của các cơ sở đào tạo nhưng thật nghiêm túc, chặt chẽ khi đánh giá đầu ra để đảm bảo chất lượng nhân lực.

Muốn thay đổi tâm lý coi nặng thành tích, trước hết người lớn phải làm gương ảnh 2 Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả 
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, với chế độ đãi ngộ như hiện nay không thể đòi hỏi một đội ngũ cán bộ công chức viên chức toàn học vị, học hàm cao được. Dư luận “kêu” lạm phát tiến sĩ, giáo sư cũng có phần do tâm lý sính học vị, học hàm, làm phát sinh những tiến sĩ giấy giỏi… “copy and paste”! Tương tự, GS, PGS là học hàm, gắn với quá trình cống hiến, giảng dạy và công trình nghiên cứu khoa học. Nếu thấy ai đó xứng đáng thì cơ quan có thẩm quyền phải tự đánh giá để phong cho họ, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến chứ đừng bắt họ phải tự đi làm hồ sơ rất phức tạp để “xin” được công nhận. Ngược lại, những trường hợp chưa xứng đáng, chưa hội đủ tiêu chuẩn nên kiên quyết từ chối. Nếu không xã hội rất nhiều TS, GS, nghe rất sang trọng nhưng không thực chất. 

Ông có thấy là “bệnh” thành tích cũng rất nặng, ngay cả từ bậc phổ thông hay không? Ông nghĩ gì về trường hợp phụ huynh xin cho con ở lại lớp mà không được chấp nhận?

- Tôi thấy đó là một căn bệnh xã hội cực kỳ nguy hiểm. Muốn thay đổi tâm lý xã hội quá coi nặng thành tích, coi trọng bằng cấp trước hết người lớn phải làm gương. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ cần thay đổi. Chấp nhận lực lượng cán bộ công chức đúng như vốn có để sắp xếp cho phù hợp; vị trí nào tiền lương ấy, không “đánh bóng” bằng các học hàm, học vị không thực chất. Ngược lại, ngay từ những lớp nhỏ nhất, chúng ta phải dạy các cháu sự trung thực. Học thật, điểm thật.

Cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục