Mượn ông bà đi dự hội

Giữa mùa thu hàng năm, các trường mẫu giáo ở vùng Flanders (thuộc Bỉ) thường tổ chức Lễ hội Grootoudersfeest (Lễ hội dành cho ông bà). Nhà trường nơi các con tôi học cũng luôn nhấn mạnh “Đây là lễ hội dành cho ông bà, đề nghị cha mẹ không đi thay”. Tôi nhìn quanh, biết mượn ông bà ở đâu cho con bây giờ?

Những năm trước, khi bà nội của bọn trẻ còn sống, dĩ nhiên bà không bỏ sót Lễ hội dành cho ông bà nào. Từng đứa cháu thay nhau vào mẫu giáo, bà lần lượt đi xem chúng múa hát, uống ngụm cà phê, ăn miếng bánh ngọt cùng các ông bà khác.

Và cuối buổi, bà nắm tay đứa cháu ruột của mình, để cháu hân hoan dắt bà vào tận lớp, khoe “đây là chỗ cháu ngồi, kia là tranh cháu vẽ”. Nhưng bà nội đã mất 2 năm nay rồi. Bà ngoại thì ở tận Việt Nam, không thể bay sang dự lễ hội được.

Nhà trường gửi giấy về thông báo Lễ hội dành cho ông bà năm 2019 có chủ đề “Het junglebook”, phỏng theo cuốn sách Rừng xanh, tập truyện về các loài vật của nhà văn người Anh Rudyard Kipling, nổi tiếng nhất là chuyện xoay quanh cậu bé Mowgli lớn lên trong rừng già Ấn Độ.

Tôi đã tìm được một con rắn bằng vải rất to mang cho nhà trường mượn, trang phục chủ đề màu xám dựa theo các con vật trong rừng cũng đã gửi đến trường cho con mặc biểu diễn trong lễ hội. Tôi cũng đăng ký giúp nhà trường pha trà, cắt bánh phục vụ ông bà trong lễ hội. Nhưng chỉ có một thứ, lại là điều quan trọng nhất, tôi không thể thay vai ông bà để dự hội cho con được. Con gái 5 tuổi của tôi buồn lắm. “Con muốn có ông bà đi dự hội cơ”.

Mượn ông bà đi dự hội ảnh 1 Các bé mẫu giáo xếp hàng chờ vào biểu diễn 
cho ông bà xem

Ý nghĩa của lễ hội trong các trường mẫu giáo này cũng rất nhân văn: Cha mẹ không thể thay thế được ông bà. Dù trong xã hội hiện đại và đặc biệt xã hội phương Tây, ông bà vẫn là một phần tâm hồn quý giá của mỗi con người, mỗi gia đình. Không có ông bà ruột thịt thì ông bà họ hàng, ông bà hàng xóm, nhưng không phải là cha mẹ.

Luật đã rõ. Nhiệm vụ của tôi suốt 2 tháng qua là đi mượn ông bà cho con. Ông bà của bạn thân con bé cũng đã bận đi dự hội cho cháu họ. Tìm đâu ra. Nhưng buổi đi đón con ở trường, tôi hay ngó nghiêng, trò chuyện để mở rộng quan hệ.

Và may mắn, con trai đang học tiểu học của tôi (đã qua thời biểu diễn trong Lễ hội dành cho ông bà) có một cậu bạn thân. Cậu bé này thường xuyên được ông bà nội đưa đón, chăm sóc mỗi khi cha mẹ vắng nhà. Tần ngần một chút, rồi tôi cũng đánh bạo lại gần đưa giấy mời “Cụ ơi, cụ đi dự Lễ hội dành cho ông bà giúp con gái nhà cháu được không?”. 

Dưới trời mưa thu lất phất, ông cụ Francois đeo kính lên, đọc kỹ thư mời, rồi mỉm cười “Chúng tôi sẽ đi. Vợ chồng tôi cũng yêu con bé nhà cô lắm”. “Cháu cảm ơn hai cụ nhiều”. Cụ ông vỗ vỗ vai tôi: “Không phải cảm ơn. Đây là niềm vinh dự của chúng tôi”.

Hai tuần trước, chẳng may bà mà tôi “mượn” đi dự lễ hội cho con bị ngã, phải vào viện thực hiện cuộc phẫu thuật nhỏ. Cụ ông gửi tin nhắn cho tôi: “Cụ bà nhà tôi giờ vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Tiếc là không thể đi dự hội được. Nhưng cô yên tâm, tôi sẽ đến với cháu”.

Sáng 18-10, khi tôi đang lúi húi cùng các phụ huynh khác giúp nhà trường bày biện tiệc ngọt chào mừng ông bà đến dự hội, cụ ông Francois chậm rãi dò từng bước, tiến đến nháy mắt chào tôi. Rồi cụ vào hội trường, tìm ghế, chuẩn bị xem lớp của con gái tôi biểu diễn.

Con bé hẳn sẽ hãnh diện khoe với bạn bè: “Tớ cũng có ông đi dự hội đấy”. Còn tôi, lát nữa sẽ nhờ cụ Francois mang về nhà tấm thiệp tối qua 2 đứa con đã nắn nót vẽ hình trái tim và viết: “Chúc cụ bà mau khỏe. Chúng cháu yêu ông bà nhiều”.

Tin cùng chuyên mục