Muôn kiểu dẫn dụ người dân vào “bẫy” lừa đảo

Dù thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới, thế nhưng vẫn có không ít người bị “sập bẫy”, đã dễ dãi chuyển tiền cho bọn lừa đảo. 
Ông Đ. kể lại sự việc bị mất gần 2 tỷ đồng trong tài khoản
Ông Đ. kể lại sự việc bị mất gần 2 tỷ đồng trong tài khoản

Mất tiền vì sợ bị “công an” bắt

Sáng 4-8, anh N.K.H. (SN 2000, ngụ quận 6, sinh viên của một trường đại học ở TPHCM) nhận được tin nhắn từ số thuê bao 078.7848… Trong tin nhắn có giấy chứng nhận tài sản, lệnh bắt giữ, phong tỏa tài sản của anh H. Ít phút sau, anh nhận được điện thoại từ số máy trên, người gọi xưng là “cán bộ công an” đang thụ lý vụ án buôn bán ma túy, rửa tiền, nói rằng anh H. liên quan đến đường dây tội phạm này. Sau đó, anh H. được nối máy với một người khác tự xưng là “cán bộ Công an TP Hà Nội”. Người này yêu cầu anh H. phải chuyển tiền để xác minh nguồn gốc số tiền anh đang có, nếu không liên quan đường dây tội phạm sẽ được trả lại. Bị dẫn dụ và lo sợ bị bắt, anh H. chuyển hơn 6 triệu đồng cho các đối tượng. Khi anh H. hỏi cha để tiếp tục chuyển cho các đối tượng nói trên theo yêu cầu, cha anh cho biết anh đã bị lừa.

Trước đó, ngày 9-7, ông M.X.Đ. (SN 1969, ngụ quận Gò Vấp) nhận được điện thoại từ số 0906… Người ở đầu dây bên kia báo số điện thoại mà ông Đ. đang sử dụng sẽ bị cắt sau 2 tiếng nữa. Ông Đ. muốn biết cụ thể thì được yêu cầu bấm phím số 2 để nghe nhân viên hướng dẫn. Ông làm theo và được nói chuyện với một người xưng là “nhân viên công ty viễn thông”. Người này cho biết có số thuê bao sử dụng tên đăng ký trùng với tên ông Đ., và số này được dùng để lừa đảo người dân. Sau đó, ông Đ. được nối máy với “cán bộ Công an TP Đà Nẵng”.

Người này nói ông Đ. liên quan đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy. Sau khi nhấn vào một đường dẫn  gửi qua điện thoại và làm theo hướng dẫn, ông Đ. nhận được lệnh bắt bị can để tạm giam có tên mình. “Công an” yêu cầu ông Đ. cung cấp số tài khoản ngân hàng để xác minh nguồn gốc số tiền của ông, đồng thời yêu cầu ông tự chuyển tiền vào tài khoản để “công an” kiểm tra tiền của ông có “trong sạch” hay không. Từ ngày 9-7 đến 11-7, ông Đ. đã chuyển nhiều lần với số tiền hơn 750 triệu đồng vào tài khoản của chính mình. Thấy bị yêu cầu tiếp tục gửi tiền, ông Đ. nghi ngờ, tới ngân hàng kiểm tra thì toàn bộ số tiền đã chuyển vào tài khoản và hơn 1 tỷ đồng có trong tài khoản trước đó đã biến mất.

Đánh vào tâm lý nạn nhân

Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Gần đây, số vụ lừa đảo như của anh H., ông Đ. diễn ra tại TPHCM rất nhiều, với chiêu thức dẫn dụ nạn nhân rơi vào “bẫy” đã được sắp đặt từ trước hết sức tinh vi. Nhiều người dân chia sẻ, sau khi bị lừa đảo đã đến cơ quan công an địa phương trình báo, nhờ ngăn chặn phong tỏa số tài khoản mà nạn nhân gửi tiền vào nhưng đã muộn. Quá trình xử lý phức tạp, mất thời gian nên đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng lấy được tiền của nạn nhân.

Muôn kiểu dẫn dụ người dân vào “bẫy” lừa đảo ảnh 1
Muôn kiểu dẫn dụ người dân vào “bẫy” lừa đảo ảnh 2 Hình ảnh mà các đối tượng sử dụng để "bẫy" người dân
Trung tá Vương Văn Mười, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 3 (TPHCM), cho biết, gần đây đơn vị tiếp nhận khá nhiều trường hợp người dân trình báo về việc bị đối tượng mạo danh cơ quan công quyền gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn không mới, nhưng các đối tượng dùng chiêu trò tâm lý gây sự hoang mang để nạn nhân bị cuốn vào bẫy. 

Phần lớn các vụ lừa đảo bằng điện thoại rất khó điều tra, do các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài, sử dụng số điện thoại đầu số lạ. Số tài khoản nhận tiền nạn nhân gửi là tài khoản các đối tượng mua để sử dụng vào mục đích phạm tội. Hoặc khi nạn nhân báo cơ quan chức năng số tài khoản trên thì các đối tượng đã chuyển tiền chiếm đoạt được qua tài khoản khác… 

Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM, cho biết, thủ đoạn lừa đảo này diễn ra nhiều năm và gần đây nở rộ với nhiều chiêu trò tinh vi hơn. Khi người dân nghe cuộc gọi do người tự xưng là công an, viện kiểm sát… thì dễ tin. Nghe vài câu hù dọa, nghĩ rằng đang nói chuyện với người đại diện cho pháp luật nên nhiều người sẽ mang tâm lý cần được minh oan, muốn giải trình nguồn tiền lớn đang sở hữu là hợp pháp.

Rất nhiều người già, phụ nữ, sinh viên, người nước ngoài về Việt Nam sinh sống và làm việc, người ít hiểu biết pháp luật khi nghe đầu dây bên kia là người đại diện cho pháp luật (ở đây là công an, viện kiểm sát, tòa án…) thì cảm thấy sợ. Các đối tượng nắm bắt được tâm lý này nên dễ dàng dẫn dắt người dân vào “bẫy” mà chúng đã sắp đặt. Nhóm tội phạm này phân công đóng các vai như: nhân viên viễn thông, công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi nhiều lần, liên tục, gây áp lực để đánh vào tâm lý nạn nhân.

Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng PC02, Công an TPHCM, nhấn mạnh, nhiều người bị cuốn vào cạm bẫy của đối tượng lừa đảo nên không có thời gian hoặc không nghĩ đến việc kiểm chứng thông tin đe dọa do nhóm này bịa đặt ra.

Người dân lưu ý rằng, lực lượng công an không mời hay triệu tập người dân làm việc qua điện thoại, nhắn tin không yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản để kiểm tra. Người dân cảnh giác với các đầu số điện thoại lạ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ. Nếu nhận cuộc gọi từ người tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án, CSGT... thì người dân báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Tin cùng chuyên mục