Mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu: Lương không đủ sống, vẫn đóng thuế TNCN

Vật giá leo thang, trong khi mức lương không tăng, thậm chí có nơi còn giảm; thế nhưng, người lao động dù đã tiết giảm mọi chi phí dựa trên mức thu nhập thì vẫn phải “gánh” thêm khoản thuế thu nhập cá nhân theo luật - vốn đã lạc hậu so với mặt bằng giá. 
Người dân làm thủ tục thuế tại Chi Cục Thuế quận Phú Nhuận, TPHCM
Người dân làm thủ tục thuế tại Chi Cục Thuế quận Phú Nhuận, TPHCM

Gánh nặng của người lao động

Chị Nguyễn Huỳnh Nga (TP Thủ Đức, TPHCM) đã từng chi tiêu thoải mái với mức lương trưởng phòng của mình gần 20 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, mức thu nhập đó đến nay đã không còn… dễ thở. Chị kể, 2 năm trước, chị đi chợ khoảng 300.000 đồng là nấu được 2 bữa cơm đủ chất cho hai mẹ con, còn nay tiền chợ phải chi gấp đôi. “Tôi mua một miếng thịt heo ba chỉ, kèm ít rau củ, dầu ăn, giấy vệ sinh…, hóa đơn đã 500.000-600.000 đồng. Học phí bán trú của con đã tăng gần 5 triệu đồng/tháng. 

Trước đây, con đi học về, nếu tôi bận việc không đón kịp, thường nhờ bác xe ôm gần nhà đón, nay giá xe ôm cũng tăng gần gấp đôi. Do vậy, với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, mọi chi phí trong gia đình phải tính toán kỹ và o ép lại”, chị Nga cho biết.

Đã vậy, theo chị Nga, quy định hiện nay mức thu nhập trên 17 triệu đồng phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Dù chị được giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng, và con chị là người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng, nhưng trong lúc tiền lương không đủ chi tiêu, việc nộp thuế TNCN trở thành gánh nặng với chị. 

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, con anh trên 18 tuổi, vẫn còn đang học đại học, chưa tự nuôi sống bản thân, hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ nhưng Luật Thuế TNCN không cho phép giảm trừ gia cảnh đối với cháu nữa. Hơn nữa, với mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc chỉ 4,4 triệu đồng, nếu con đi học thì chỉ đủ học phí bán trú hoặc học phí cho sinh viên đại học ở trường công, chứ học trường tư là không đủ, chưa kể chi phí ăn ở, sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố. 

Còn với anh Nguyễn Hoài Anh (làm việc tại một công ty ở quận Phú Nhuận, TPHCM), cuộc sống ở thành phố lớn có chi phí quá cao. Một người sống độc thân thì tiền thuê nhà ở ghép cũng 2 triệu đồng/người/tháng; tiền ăn 3 bữa khoảng 4,5 triệu đồng/tháng; tiền điện, nước, điện thoại, internet, xăng xe… cũng hơn 2 triệu đồng/tháng. Nếu đồng nghiệp mời đám cưới thì tiền mừng “bèo” nhất cũng 1 triệu đồng, đám cưới tổ chức ở khách sạn lớn thì tiền mừng phải 2 triệu đồng mới coi được. Anh Hoài Anh cho rằng, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không sát với thực tế cuộc sống. Đồng lương đã không đủ trang trải, lại phải dành một khoản để nộp thuế khiến cuộc sống càng chật vật hơn.

Mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu: Lương không đủ sống, vẫn đóng thuế TNCN ảnh 1 Cân nhắc giá cả khi mua hàng

Cần tăng mức giảm trừ gia cảnh

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2022, số thu thuế TNCN đã vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm (khoảng 128.430 tỷ đồng, tương đương 109% kế hoạch cả năm, bằng 9% tổng thu ngân sách nhà nước).

Dư luận cho rằng, trước, trong và sau dịch Covid-19, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế (miễn, giảm, giãn) cho doanh nghiệp; trong khi đó, người làm công ăn lương - đối tượng bị tác động nặng nề không kém - lại không được miễn, giảm mức đóng thuế TNCN, thậm chí, mức thu thuế TNCN còn… vượt chỉ tiêu đề ra!

Người lao động và chuyên gia đều nhận định rằng các quy định về mức giảm trừ gia cảnh quá thấp, 2 năm qua chưa thay đổi, dù chỉ số giá tăng hàng ngày. Luật Thuế TNCN quy định “Khi nào chỉ số giá tiêu dùng biến động 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ phù hợp với biến động của giá cả cho kỳ tính thuế tiếp theo” là bất hợp lý. Bởi khi chỉ số giá tăng 1-19%, người làm công ăn lương phải tự gánh, không được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tăng tương ứng. Lẽ ra, luật phải đi trước, hoặc chí ít phải theo kịp với diễn biến thị trường, giá cả để hỗ trợ người lao động - đối tượng chính tạo ra của cải xã hội. 

Người lao động mong muốn Nhà nước sớm thay đổi các quy định nêu trong Luật Thuế TNCN, theo hướng tăng mức giảm trừ, đủ để người dân sống và tái tạo sức lao động, đồng thời rút ngắn mức thuế suất (7 bậc) so với hiện nay.

* PGS-TS Dương Anh Sơn, Trường Đại học Kinh tế Luật TPHCM: Không giảm trừ một cách cào bằng

Một quy định bất hợp lý trong Luật Thuế TNCN là áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cào bằng, 11 triệu đồng/tháng cho mọi đối tượng. Như vậy, người có thu nhập 200 triệu đồng/tháng cũng giống như người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, cũng đều được giảm trừ chi phí 11 triệu đồng/tháng như nhau. Đó là lý do các ca sĩ, nghệ sĩ phải thành lập công ty để đưa các chi phí quần áo, phấn son, ăn uống… vào chi phí được giảm trừ, sau đó họ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 20%. Còn người lao động chất lượng cao sau khi được giảm trừ 11 triệu đồng/tháng, phải nộp thuế TNCN lũy tiến lên đến 35%.

Do vậy, cần phải thay đổi chính sách thuế TNCN cho tương ứng với thuế thu nhập doanh nghiệp và tạo công bằng cho những người lao động có thu nhập cao. 

Tin cùng chuyên mục