Mức độ tiêm chủng vaccine còn chênh lệch

Cho đến thời điểm này, mức độ tiêm chủng vaccine Covid-19 trên thế giới vẫn có sự chênh lệch lớn. Trong lúc ở nhiều nước châu Á, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine còn thấp, thì ngược lại, một số nước châu Âu tính chuyện mở cửa biên giới do đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao cho người dân.
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Osaka, Nhật Bản
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Osaka, Nhật Bản

Châu Á: Tiêm chủng chậm  

Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Nội các Nhật Bản, nước này đang đẩy mạnh chương tình tiêm chủng khi bắt đầu triển khai tiêm vaccine tại nơi làm việc trên cả nước. Đến ngày 23-6, Nhật Bản đạt mốc 1 triệu liều/ngày. Theo Hãng tin Reuters, hiện chỉ có 18% trong tổng số 125 triệu dân Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn. 

Nhật Bản bắt đầu chương trình tiêm chủng từ giữa tháng 2, nhưng tốc độ tiêm chủng thời gian đầu khá chậm do khan hiếm nguồn cung. Khi nguồn cung gia tăng, tình trạng thiếu nhân viên y tế và vướng mắc ở khâu hậu cần đã cản trở chiến dịch tiêm chủng tại nước này. Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Tokyo đã mở các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Bộ Quốc phòng điều hành, đồng thời nới lỏng những quy định về người được tiêm chủng và những đối tượng thực hiện công tác tiêm chủng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cải cách hành chính và phụ trách chương trình tiêm chủng vaccine, ông Taro Kono, cho biết Nhật Bản đang tạm ngừng cấp phép cho các doanh nghiệp tiêm chủng cho nhân viên do lo ngại việc gia tăng tiêm chủng trong khối doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến việc phân phối vaccine. 

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 của nước này đang cho thấy hiệu quả rõ rệt; theo đó, số bệnh nhân nguy kịch giảm đáng kể, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi. KDCA nêu rõ, nếu như vào thời điểm đầu tháng 6, số bệnh nhân nguy kịch là 170 người thì nay đã giảm xuống 135 người. Lượng vaccine mà Hàn Quốc ký hợp đồng cung ứng trong quý III năm nay là 80 triệu liều. Tính đến ngày 23-6, khoảng 30% dân số Hàn Quốc, tương đương 15,1 triệu người, đã tiêm xong mũi một vaccine Covid-19. 

Tại Đông Nam Á, quân đội Campuchia bắt đầu mở rộng chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại các tỉnh. Theo kế hoạch, từ ngày 22 đến 30-6, khoảng 1,2 triệu người tại các tỉnh Preah Sihanouk, Koh Kong, Kampong Speu, Takeo sẽ được tiêm phòng Covid-19 mũi đầu tiên. Tính đến nay, Campuchia đã tiêm vaccine Covid-19 cho trên 3,4 triệu người, tương đương 34,16% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành cần được tiêm phòng trên cả nước.

Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore thông báo kể từ ngày 23-6, tất cả người nhập cảnh đến từ các quốc gia và khu vực có nguy cơ cao sẽ chỉ phải cách ly 14 ngày, thay vì 21 ngày như hiện nay, tại các cơ sở cách ly tập trung. Tuy nhiên, người nhập cảnh sẽ phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên bằng bộ dụng cụ tự kiểm tra vào ngày thứ ba, thứ bảy và thứ mười một sau khi đến Singapore.

Mỹ lỡ hẹn tiêm chủng, châu Âu rục rịch mở cửa

Theo thống kê của tờ Washington Post, đã có 177,9 triệu/332 triệu người dân Mỹ được tiêm vaccine Covid-19, trong đó 150,8 triệu người (45,4%) hoàn thành tiêm chủng vaccine và 53,6% được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Dù đã triển khai chiến dịch tiêm chủng sớm và khẩn trương, Chính phủ Mỹ vẫn phải thừa nhận sẽ không thể đạt được mục tiêu khoảng 70% người dân Mỹ trưởng thành được tiêm ít nhất 1 liều vaccine trước ngày lễ Quốc khánh 4-7. Người đứng đầu nhóm phản ứng dịch Covid-19 của Nhà Trắng, ông Jeffrey Zient, cho biết sẽ phải mất thêm vài tuần nữa để 70% tổng số người trưởng thành Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Dẫu vậy, ông  Zient khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đạt được thành công ngoài mong đợi trong việc đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Theo ông Zient, thay vì chỉ có những cuộc tụ tập nhỏ ở sân sau của mỗi gia đình, nước Mỹ đang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày 4-7 lịch sử với những lễ kỷ niệm lớn được lên kế hoạch tại các cộng đồng trên khắp đất nước. 

Trong khi đó, tại châu Âu, khoảng 37% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 và 17% dân số đã hoàn thành việc tiêm chủng. Anh đang dẫn đầu khu vực này với gần 75 triệu liều vaccine Covid-19 được tiêm, trong khi dân số Anh chỉ hơn 68 triệu người. Đứng sau Anh là Đức với hơn 68 triệu liều/hơn 84 triệu người. Đứng thứ 3 là Pháp: gần 49 triệu liều/67 triệu người… Nếu xét về số lượng người đã hoàn thành tiêm chủng (tiêm 2 mũi vaccine Covid-19), 3 nước đứng đầu là Malta (60,9%), Anh (46,9%) và Iceland (46,2%). 

Trước tình hình tiêm chủng như trên, một số nước tại châu Âu đã tính đến việc mở cửa biên giới. Trong đó, Đức thông báo sẽ mở cửa biên giới từ ngày 25-6 đối với các công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm chủng đủ liều vaccine Covid-19. Du khách phải được tiêm đủ liều vaccine Covid-19 ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh Đức bằng một loại vaccine được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép. Tuy nhiên, du khách đến từ những quốc gia có các biến thể virus lây lan mạnh vẫn không được nhập cảnh Đức. Trước đó, Tây Ban Nha đã bắt đầu mở cửa biên giới cho tất cả những người đã được tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Carolina Darias khẳng định, Tây Ban Nha là điểm đến an toàn và đang trong tiến trình tái khẳng định “ngôi vương” ngành du lịch của thế giới. Với “hộ chiếu Covid-19” được Nghị viện châu Âu thông qua, du khách có thể đi lại các nước trong nội khối bắt đầu từ tháng 7 tới.

Trong khi đó, tại Anh, do sự lây lan nhanh của biến chủng Delta (chiếm khoảng 90% số ca nhiễm mới), chính phủ nước này đã quyết định trì hoãn việc gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp giãn cách xã hội thêm 4 tuần (vốn ấn định vào ngày 21-6)…

Tin cùng chuyên mục