Mùa xuân viếng đền Gia Định

Cựu chiến binh - Trung tá Phạm Minh Hiền (Năm Hiền), con trai cụ Phạm Văn Chiêu, một trong những người đề xuất chủ trương thành lập chiến khu An Phú Đông và Chi đội 6 thời kỳ đầu chống Pháp, đến nhà tôi đưa thư mời tham gia cùng đoàn cán bộ hưu trí của thành phố về Củ Chi viếng thăm Đền Gia Định. 

Đây là ngôi đền thờ 80 vị tiền bối cách mạng có công xây dựng Đảng bộ và chính quyền tỉnh Gia Định xưa và thành phố hôm nay.

MỘT

Nhớ lại những ngày đầu giải phóng, tôi may mắn được gặp những người lính Cụ Hồ từ thời chống Pháp, trưởng thành từ chiến khu An Phú Đông như các chú: Phạm Văn Khung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Định; Phạm Văn Chiêu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Gia Định; nhà thơ Xuân Miễn với bài thơ An Phú Đông nổi tiếng...

Ngày ấy, mùng 4 tết hàng năm, tôi về An Phú Đông dự họp mặt truyền thống do Huyện ủy Hóc Môn (cũ) tổ chức. Bí thư Đỗ Văn Ơn, bà Bảy Giảng và những tướng lĩnh quân đội như các bác Tô Ký, Nguyễn Văn Bứa, Đào Sơn Tây; các cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Mai Chí Thọ... đã kể cho tôi nghe biết bao chuyện vui buồn về một thời gian nan mà oanh liệt của chiến khu An Phú Đông và căn cứ Vườn Cau Đỏ lừng danh này.

Bây giờ các vị tiền bối ấy đều đã đi theo Bác Hồ và tổ tiên.

Trên chuyến xe xuôi về mảnh đất huyền thoại Củ Chi hôm nay hầu hết là thế hệ con em của họ. Đã gần 80 tuổi, anh Năm Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Quân Dân Chính Đảng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (gọi tắt CLB), vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Giọng sang sảng, anh Năm nói: “Đến viếng đền, đồng chí sẽ góp ý cho chúng tôi. Cái gì chưa hợp lý, chúng ta sẽ sửa. Phải nói thật, chúng tôi vất vả lắm mới “thỉnh” được 80 cụ về đây. Phải xin ý kiến của Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy nữa đấy”.

Đã mấy chục năm quen biết anh Năm Hiền, từ thời anh còn công tác tại Cục Kỹ thuật Quân khu 7, tôi hiểu anh. Nói năng rổn rảng, ào ào, vui tính, nhưng trong công việc bao giờ anh Năm cũng cẩn trọng, chu đáo. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng, anh Năm đã sớm theo cha kháng chiến.

Được cử ra miền Bắc học tập, trở về quê hương anh đã dốc sức phấn đấu, xứng đáng với niềm tin của gia đình. Nay về nghỉ hưu, nghĩ đến công lao của các bậc tiền bối đã hy sinh để có ngày hôm nay, anh cùng các anh chị trong CLB thu thập tư liệu, vận động tài chính xây dựng nên ngôi đền linh thiêng này.

Xe chúng tôi qua cầu Tham Lương thì chết máy. Lái xe thông báo đầu xe bốc khói. Mọi người sơ tán ngay. Chúng tôi vội lao ra khỏi xe. Ưu tiên các cụ cao niên và thương binh đang chống nạng. Một lúc sau, tài xế cho biết xe hỏng nặng. Tác phong nhanh nhẹn, anh Năm gọi liền 2 xe taxi đưa chúng tôi đến đền Gia Định.

HAI

Do sự cố xe cộ, chúng tôi đến đền Gia Định thì mọi người đã tề tựu đông đủ. Trên khu đất rộng 1ha, ngôi đền kiến trúc kiểu mở hiện ra. Giữa sân đền có lư hương đại và đôi chim hạc sừng sững. Anh Năm Hiền cho biết, đền Gia Định khởi xây từ năm 1999 tại ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Ban chủ nhiệm CLB chọn mùng 5 Tết hàng năm là ngày họp mặt truyền thống, viếng đền.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo những người tham gia kháng chiến thuộc khối Quân Dân Chính Đảng thành phố, đền vừa được trùng tu, tôn tạo. Ban chủ nhiệm CLB đã dụng công sưu tầm, bổ sung, phục chế di ảnh 80 vị tiền bối cách mạng từ thời kỳ mới thành lập An Nam Cộng sản Đảng (1929); thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) đến Nam Kỳ Khởi nghĩa (1940); Cách mạng tháng Tám (1945); kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1954-1975) và sau ngày thống nhất đất nước đến nay.

Tôi lần theo di ảnh của các bậc tiền bối thời lập Đảng, dựng nước mà lòng rưng rưng xúc động. Đây là những chiến sĩ cộng sản đã lăn lộn trên mảnh đất Nam Kỳ, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn xưa. Sau này, các vị tiền bối ấy đều giữ trọng trách trong hệ thống chính trị của đất nước như các cụ: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Mai Chí Thọ, Trần Văn Giàu... Cả những tướng lĩnh lừng danh: Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà, Tô Ký, Nguyễn Văn Bứa, Đào Sơn Tây…

Những người sáng lập chiến khu An Phú Đông và Chi đội 6 (Trung đoàn 306 - Phạm Hồng Thái) như các ông: Phạm Văn Khung, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Dung, Nguyễn Văn Công, Trần Đình Xu, Nguyễn Thế Truyện, Thái Văn Lung... đều có mặt. Là đền thờ các chiến sĩ cộng sản đã chiến đấu hy sinh trên đất Nam bộ, đền Gia Định còn ghi danh nhiều chiến sĩ cách mạng mà tên tuổi đã đi vào sử sách. Nhiều vị được đặt tên đường phố hoặc các công trình văn hóa ở TPHCM và các địa phương khác như: Nguyễn Thị Minh Khai, Châu Văn Liêm, Huỳnh Văn Một, Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Lượng, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Rành, Phạm Văn Cội...

Mùa xuân viếng đền Gia Định ảnh 1 Các đại biểu về dự họp mặt truyền thống Đền Gia Định. Ảnh: VIỆT DŨNG

Có thể nói, đây thực sự là nơi quần tụ hương hồn của các anh hùng, liệt sĩ - những người đã có công to lớn với dân, với nước trên mảnh đất phương Nam - Thành đồng Tổ quốc. Tại lễ viếng đền Gia Định, tôi đã được gặp con cháu, người thân yêu ruột thịt của những chiến sĩ cách mạng tiền bối ấy.

Đó là bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm, con gái của liệt sĩ Huỳnh Văn Một, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nghĩa, con gái cụ Nguyễn Văn Xướng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Trần Thắng Công, con trai cụ Trần Thắng Minh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 306 - Phạm Hồng Thái… Mọi người đều xúc động trước tấm gương hy sinh vì dân, vì nước của các bậc tiền bối và hứa sẽ tiếp tục cống hiến, động viên, giáo dục con cháu phấn đấu tốt để xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương.

BA

Theo phong tục Á Đông, đền là nơi thờ những người có công với dân với nước. Trong số ấy có những vị hiển thánh như Đức Thánh Trần (Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn); có những vị trở thành Thành Hoàng, được nhân dân lập đền thờ ghi ơn công đức và cầu nguyện phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an. Trên tinh thần đó, việc lập đền Gia Định, theo chúng tôi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân các bậc tiền bối cách mạng đã có công với dân với nước và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ nối tiếp.

Tuy nhiên, để đền Gia Định xứng với tầm vóc lịch sử, việc còn lại không chỉ của riêng Ban liên lạc truyền thống Chi đội 6 - Trung đoàn Phạm Hồng Thái hoặc của CLB, mà theo chúng tôi đó là công việc của cấp ủy, chính quyền TPHCM, trực tiếp là Huyện ủy - UBND huyện Củ Chi.

Thứ nhất, nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa CLB với các ngành hữu quan như Ban Tuyên giáo, Hội Khoa học lịch sử, bảo tàng... để sắp xếp lại các di ảnh, chú thích ảnh cho đúng vị trí, tầm mức, sự chính xác về tên tuổi, chức danh các vị tiền bối cách mạng và anh hùng liệt sĩ.

Thứ hai, cần có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, xây dựng các công trình phụ cận để khu vực đền ngày càng uy nghiêm, bề thế, xứng đáng là nơi quần tụ hương hồn của các bậc tiền bối cách mạng từ thời lập Đảng, dựng nước.

Thứ ba, cần huy động sức mạnh tổng hợp về tinh thần và vật chất để không ngừng hoàn thiện khu đền thờ linh thiêng này.

Trên chuyến xe trở về thành phố, trong không khí đón Xuân Canh Tý tràn ngập, tôi đã “kiến nghị” với Chủ nhiệm CLB Phạm Minh Hiền như thế. Như đồng cảm với tôi, một vị lão thành cùng đi nói vui, làm được như thế các cụ sẽ phù hộ độ trì; nhờ thế xe chúng ta hôm nay không bốc cháy. Hãy phấn đấu hết sức mình để tri ân các cụ, động viên, giáo dục thế hệ cháu con tiếp tục đi theo con đường mà Bác Hồ và các bậc tiền bối của Đảng ta đã chọn; xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nhân dân ấm no và hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục