Mùa săn chuột đồng

Những cánh đồng lúa bạt ngàn được thu hoạch xong cũng là thời điểm để người dân kiếm sống bằng nghề săn chuột đồng bắt tay vào việc. 
Vui sướng với “chiến lợi phẩm”
Vui sướng với “chiến lợi phẩm”
Mỗi nhóm săn chuột từ 5 đến 7 người, có nhóm còn dắt thêm “đội quân” khuyển hỗ trợ.  
Thú vui sau mùa thu hoạch
Chẳng những đem lại lợi ích kinh tế, săn chuột đồng còn là niềm vui của người dân nông thôn ở miền Tây sau khi thu hoạch lúa. Theo lời anh Nguyễn Văn Chín (43 tuổi, ngụ xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), bắt chuột đồng có nhiều cách như: sử dụng chĩa, hun khói, đổ nước vào hang, đặt chà… Tuy nhiên, cách săn phổ biến nhất vẫn là hò hét “dí” chuột. Cách bắt này chẳng những hiệu quả mà còn mang lại tiếng cười cho những người tham gia, chứng kiến.
Mùa săn chuột đồng ảnh 1 Hì hục đào hang bắt chuột
Nhâm nhi xong ly cà phê buổi sáng, anh Chín cùng 2 người bạn ở xóm chuẩn bị đồ nghề ra đồng săn chuột. Đồ nghề quan trọng nhất là xẻng, len đào hang và một cái lồng sắt để nhốt chuột. Theo người dân địa phương, anh Chín là người săn chuột đồng cừ nhất nơi đây. Mỗi lần “xuất quân” anh chỉ cần đi khoảng 2-3 giờ là mang về cả một lồng chuột chật cứng. Vì thế việc theo chân anh Chín đi săn chuột đồng hứa hẹn nhiều hấp dẫn. “Bắt chuột đồng với anh Chín không sợ về không, bọn trẻ trong xóm cũng khoái đi theo vì được chạy nhảy “dí” chuột thường xuyên, vừa được cười đùa vừa có được tiền ăn kẹo”, anh Nguyễn Văn Tâm, ngụ cùng địa phương nói.
Từ lâu, chuột đồng ở miệt Đồng Tháp đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng khắp cả nước. Từ các quán ăn bình dân cho đến nhà hàng sang trọng, chuột đồng luôn có trong thực đơn. Chuột có thể làm nhiều món như: chiên, quay lu, thui rơm vàng, lột da ướp sả ớt nướng muối, giả cầy, ướp lá chanh… Vì thế, chuột đồng được thu mua với giá cao. Ở thời điểm hiện tại, chuột đồng được bán với giá dao động 40.000 - 60.000 đồng/kg. Với giá bán này, những người dân làm nghề săn chuột cũng kiếm được số tiền kha khá sau mỗi chuyến đi săn.
Theo lời anh Chín, mùa săn chuột được nhiều nhất là khi lúa bắt đầu chín, chuột sẽ hoạt động mạnh mẽ tại những cánh đồng lúa trĩu hạt. Đặc biệt, vào mùa nước nổi, chuột sẽ quy tụ về những gò đất cao, sống tạm trên cây... Tuy nhiên, đi săn vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch của chủ đất, nên anh chọn lúc lúa gặt xong là bắt tay vào việc. Chuột sẽ đào hang, sống thành đàn trong những bờ đê, gò đất cao… mà người dân dùng làm nơi để cất lều trại khi gặt lúa. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Chín cùng những người bạn nhìn theo dấu chân, ụ đất là biết được nơi đây có ít hay nhiều chuột đang sinh sống.
Vừa nói, anh Chín vừa tiến đến một ụ đất trên bờ đê và chỉ vào dấu chân chuột trên từng hang. Khi xác định có chuột, mọi người trong nhóm chia nhau đi xem xét xung quanh ụ đất, dùng rơm bịt kín từng hang, các ngóc ngách và chỉ chừa lại một hang duy nhất, rồi dùng xẻng, len đào sâu vào trong. Anh Chín cho biết, tập tính của chuột là sống theo đàn, đào nhiều hang để khi có “biến” thì thoát thân dễ dàng. Những hang chuột thông với nhau nên phải bịt kín hết các hang và chỉ chừa lại một miệng hang, chờ nó chạy ra, rồi “dí” bắt!
Khi các bước chuẩn bị đã xong, những người trong nhóm thay phiên nhau đào từng xẻng đất cho đến khi vào tận ổ. Trong lúc đào, những chú chuột “bị động” kêu chít chít khiến những đứa trẻ hò hét vui vẻ. “Bắt chuột vui nhất là khi “dí”, đôi khi nó nhảy xuống nước và ngụp lặn bên dưới. Bọn trẻ chỉ im lặng chờ chuột hết hơi ngoi lên là nhảy ùm xuống nước mà chụp”, anh Chín cho biết.
Thu nhập khá 
Thời điểm mùa lũ, khi con nước bắt đầu tràn vào những cánh đồng thì săn chuột đồng bằng cách “dí” sẽ không còn khả dụng. Bởi thời điểm này, đồng ruộng đã ngập nước, chuột không còn nơi sinh sống sẽ kéo đàn lên sống ở những ngọn cây, bụi tre… ở ngoài đồng ruộng. Từ đây, muốn bắt chuột phải chuyển sang dùng chĩa, dùng ná bắn, mới có hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức này không mang lại nhiều niềm vui như kiểu “dí” chuột.
Theo lời anh Chín, mỗi chuyến đi anh mất khoảng 3 tiếng, những hôm may mắn có thể bắt được 5 - 10kg. Với số tiền bán được, anh và 2 người bạn có thể kiếm khoảng 200.000 đồng chỉ trong một buổi sáng đi săn. Đó là chỉ bán những con chuột lớn, còn lại số chuột nhỏ được mang về chế biến làm thức ăn trong những bữa cơm gia đình.
Ngoài việc săn bắt chuột để đem bán, thỉnh thoảng nó cũng mang lại cho anh một công việc khác khá thú vị. Đó là, mỗi khi đến mùa săn chuột đồng, thường xuyên có những người từ TPHCM về đây thăm bạn bè. Nghe nói việc săn chuột mang lại niềm vui, họ cũng muốn trải nghiệm. Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Tô Bảo Quốc (25 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) chia sẻ: “Nghe việc săn bắt chuột đồng mang lại nhiều niềm vui nên tôi cũng muốn một lần thử. Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến và tự tay bắt được chuột, cảm giác thật tuyệt vời. Đây đúng là trải nghiệm vui và đáng nhớ, khi về lại TPHCM chắc chắn tôi sẽ kể cho người thân và bạn bè. Hy vọng năm sau đến mùa săn bắt chuột đồng sẽ có dịp trở lại”.
“Lâu lâu cũng có người đến nhờ dẫn ra đồng bắt chuột. Ngoài việc được trả chi phí “hướng dẫn viên”, số chuột bắt được còn được những người này mua lại với giá cao hơn ở chợ”, anh Chín bộc bạch.
Việc săn bắt chuột chẳng những mang lại thu nhập cho những người làm nghề này, mà còn là cơ hội cho những thương lái chuột. Canh theo mùa thu hoạch lúa và mùa lũ, những người làm nghề lái chuột tìm đến những cánh đồng xa xôi ở các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, Lai Vung, Châu Thành… để thu mua chuột từ những người săn bắt. Số chuột thu mua sẽ được vận chuyển đến bán tại các chợ trong tỉnh và các tỉnh, thành khác. “Khi hết mùa lũ, cũng là lúc mùa săn chuột kết thúc, trừ đi tất cả chi phí trong mùa này, tôi cũng kiếm được 10-15 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Minh (25 tuổi, ngụ huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) khoe. 

Tin cùng chuyên mục