Mua sắm trực tuyến ngày càng sôi động

Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, vượt ra khỏi biên giới nhờ vào sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số. Tại Việt Nam cũng vậy, thương mại điện tử ngày càng tiện lợi nên hành vi mua sắm của khách hàng cũng thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà bán lẻ phải nỗ lực bắt nhịp với xu hướng này…
Công nghệ số thúc đẩy ngành bán lẻ hội nhập
Công nghệ số thúc đẩy ngành bán lẻ hội nhập
Hàng Việt bắt nhịp trào lưu thương mại điện tử

Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… nên việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ. Tại TPHCM, thị trường thương mại điện tử tiếp tục được mở rộng với nhiều mô hình mới. Doanh nghiệp TPHCM cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới của thế giới, đã và đang đầu tư website thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp, hướng vào xây dựng phiên bản dùng trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng... phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên môi trường mạng. 

Thống kê của Sở Công thương TPHCM cho thấy, có khoảng 127.100 website hoạt động, trong đó 8.910 website thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đã đăng ký với Bộ Công thương, gồm: 8.519 website thương mại điện tử bán hàng và 391 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Đặc biệt, có 36 ứng dụng thương mại điện tử (apps) đã thông báo, đăng ký với Bộ Công thương, gồm: 12 ứng dụng bán hàng và 24 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. 

Còn kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và Đo lường hiệu quả hoạt động toàn cầu - Nielsen - chỉ ra rằng, tăng trưởng bán hàng trực tuyến của các sản phẩm tiêu dùng nhanh đang vượt trội hơn doanh số bán hàng tại các kênh bán lẻ. Và dự đoán, doanh số bán trực tuyến hàng tiêu dùng nhanh sẽ vượt qua doanh số bán hàng tại các kênh bán lẻ trong vòng 5 năm tới. 

Để bắt kịp xu hướng thương mại điện tử, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) vừa công bố định hướng tăng tốc phát triển mạng lưới và mô hình kinh doanh mới trong năm 2018, dựa trên cơ sở rà soát tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với chuyển biến của tình hình thực tế. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai dự án công nghệ thông tin. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay song song với hoạt động kinh doanh hàng hóa, tại đại siêu thị Co.opXtra nói riêng, hệ thống bán lẻ khác của Saigon Co.op nói chung, còn tăng cường cung cấp các dịch vụ tiện ích đi chợ tại nhà, thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, internet… tại siêu thị. Trong thời gian tới, Saigon Co.op tăng cường áp dụng công nghệ triển khai nhiều quy trình ứng dụng tại các cửa hàng để mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng khi đến với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile hay HTV Co.op và SCVico City. Tương tự, nhiều nhà bán lẻ cũng như đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TPHCM đã và đang từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ thị trường trên  sân nhà bằng việc đầu tư ứng dụng công nghệ số và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, xác định xu hướng đáp ứng nhu cầu đối với khách hàng và tạo sự tiện dụng trong quá trình mua sắm là yếu tố sống còn. Các doanh nghiệp nội không ngừng triển khai những mô hình kinh doanh mới, phù hợp với xu thế bán lẻ, mô hình thương mại điện tử mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng… góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường. 

Bán hàng xuyên biên giới

Theo các chuyên gia, bán hàng xuyên biên giới và khách hàng không biên giới là sự thay đổi rất lớn. Đồng thời, dự báo xu hướng này sẽ thay đổi vĩnh viễn môi trường kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều doanh nghiệp cũng như thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới. Điển hình, thương vụ mua bán - sáp nhập của Tập đoàn Alibaba với Lazada hơn 1 năm trước đã minh chứng cho kế hoạch mở rộng thị trường của Alibaba vào khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, kho ngoại quan của Tập đoàn Alibaba đang xây dựng ở biên giới tỉnh Lạng Sơn và sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong vài năm tới. Đáng chú ý, giám đốc điều hành của Lazada đã công bố người tiêu dùng sẽ bắt đầu mua được hàng hóa từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và… Trung Quốc. Như vậy, hàng hóa trên hệ sinh thái B2C, C2C của Alibaba như Taobao, 1688… sẽ được kết nối lên trang Lazada phân phối đến người dân Việt Nam tại mọi miền đất nước. Điều này cũng xảy ra tương tự với các ngành sản xuất, du lịch… chứ không riêng ngành hàng bán lẻ và thị trường bán lẻ. Vì vậy, người tiêu dùng Việt Nam cũng có thể dễ dàng đặt gia công, booking tour du lịch thông qua công ty của các nước khác như traveloka, booking…

Ghi nhận thực tế, rất nhiều doanh nghiệp có lợi thế về phân phối, bán lẻ thông thường, nhưng làm thương mại điện tử thì họ chưa biết phải bắt đầu từ đâu, trong khi Việt Nam có đến 60% dân số dùng internet; online 25 giờ/người/tuần. Còn thế giới hiện có 600 triệu người tiêu dùng không biên giới. Công nghệ đang làm thay đổi ở nhiều lĩnh vực; trong đó thương mại điện tử đang thay đổi hành vi, thói quen của người tiêu dùng và là thách thức của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, chia sẻ với tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hướng tới, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý mà ngay cả công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm. Riêng với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm, khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo, đột phá sẽ có sức hấp dẫn người tiêu dùng. 

Còn ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc Kinh doanh Công ty Haravan, nhấn mạnh trong xu hướng phát triển của thương mại điện tử, bên cạnh việc mở ra những cơ hội kinh doanh, bán hàng xuyên biên giới nhưng cũng tìm ẩn nguy cơ nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời nắm bắt xu hướng và nhanh chóng hành động tiếp cận sự thay đổi mới của ngành bán lẻ. Cụ thể, hành vi mua sắm của khách hàng cũng thay đổi mạnh mẽ. Người mua hàng rất dễ dàng tìm kiếm được thông tin người bán hoặc nhà cung cấp trên mạng, với mô tả sản phẩm, nguồn góc và giá cả rõ ràng. Cộng với việc người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trên đất nước, thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng cũng sẽ ship được đến tận nhà. Chính vì thế, lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý hay giá cả của doanh nghiệp Việt đều giảm mạnh vì khách hàng rất dễ dàng tìm được nhà cung cấp giá tốt, chất lượng hơn.
Liên quan đến giải pháp nhằm quản lý chất lượng, xuất xứ nguồn gốc hàng hóa của hệ thống thương mại điện tử nói chung và nhiều trang mạng xã hội quảng cáo bán hàng hiệu, hàng xuất khẩu… nói riêng, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết trước hết cần khẳng định, dù mua bán trên mạng (online) nhưng thực tế hầu hết hàng hóa đều được giao - nhận như mua bán truyền thống (offline). Kết quả khảo sát của Cục Thống kê và Sở Công thương năm 2017 cũng cho thấy, tỷ lệ thanh toán theo phương thức COD (Cash On Delivery - nhận hàng mới trả tiền) chiếm 93% tổng số giao dịch thương mại điện tử. Do đó, giải pháp quản lý nguồn gốc, chất lượng hàng hóa mua bán trực tuyến cơ bản vẫn là kiểm tra chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Thương mại điện tử là giao dịch “trên mạng” nên để nắm bắt thông tin giao dịch, từ đó xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải “lên mạng” tìm hiểu, cập nhật những trường hợp có tỷ lệ truy cập cao, có thông tin giao dịch thường xuyên nhằm khoanh vùng, tập trung giám sát, kiểm tra.

Ngoài ra, Sở Công thương TPHCM sẽ cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông hướng đến người tiêu dùng thông qua kênh báo in, báo điện tử, truyền hình... giúp người tiêu dùng nắm bắt những kỹ năng giao dịch thương mại điện tử an toàn hơn, như cách kiểm tra website thương mại điện tử hợp pháp; cách đối chiếu, phân biệt thật - giả những mặt hàng thông dụng; cách báo tin trực tuyến cho cơ quan nhà nước về dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp... Một khi thông tin sai phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước, người tiêu dùng đăng tải trên mạng, chắc chắn hàng hóa của doanh nghiệp đó sẽ bị “tẩy chay”. Điều này khẳng định vai trò rất quan trọng của người tiêu dùng trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục