Mua sắm thông minh để đảm bảo an toàn sức khỏe

Trong nửa đầu năm 2020, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn còn khá phổ biến tại nhiều địa phương. Để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, các bà nội trợ cần lựa chọn những điểm mua thực phẩm an toàn, chất lượng và có uy tín.
Người tiêu dùng cần mua thực phẩm ở các địa chỉ bán hàng uy tín
Người tiêu dùng cần mua thực phẩm ở các địa chỉ bán hàng uy tín

Báo động mất ATVSTP

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã phát hiện hàng loạt vi phạm liên quan đến vấn đề ATVSTP. Các vụ vi phạm này được kinh doanh dưới hình thức không giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật…

Cụ thể, ở TPHCM, lực lượng QLTT đã phát hiện 1.224 vụ vi phạm, trong đó có 53 vụ vi phạm về ATVSTP. Cùng với kiểm tra chuyên ngành, Cục QLTT còn tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và quận huyện, phát hiện 194 vụ vi phạm, trong đó có 118 vụ vi phạm về kiểm dịch, đã giao cơ quan thú y xử lý 1.882 gia cầm, 69 gia súc và 648kg thịt gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Thậm chí, trên địa bàn vẫn còn tình trạng vi phạm do không đủ dụng cụ bảo quản thực phẩm sống, chín riêng biệt; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh…

Hay ở Long An, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tỉnh gần đây đã tổ chức 113 đoàn, kiểm tra 575 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm và có 57 cơ sở vi phạm. Riêng về hàng kém chất lượng, theo QLTT tỉnh Long An, trong 6 tháng qua, lực lượng này đã xử lý 11 vụ hàng kém chất lượng, 9 vụ hàng giả và 826 vụ gian lận thương mại.

Còn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua kết quả kiểm tra của ngành chức năng, vẫn còn một số cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định về ATVSTP. Một số cơ sở còn dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém để chế biến thực phẩm; sử dụng hương liệu, phẩm màu quá mức quy định để chế biến thực phẩm. Tại các địa điểm buôn bán thực phẩm, phục vụ suất ăn, nhiều cơ sở kinh doanh còn có tình trạng che đậy thực phẩm nấu chính sơ sài, mất vệ sinh, nhất là ở khu vực nông thôn.

Để quản lý thực phẩm an toàn vệ sinh, đến nay, tại TPHCM, Ban quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 493 giấy chứng nhận cho 367 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi; tổng sản lượng đạt 231.503 tấn/năm. Hiện tại, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm đã tiếp nhận 213 hồ sơ, trong đó đã cấp code cho 205 hồ sơ. Theo đó, đề án có số lượng heo thịt là 931.632 con/năm, gà thịt 16.069.300 con/năm, trứng gia cầm 194.778.700 quả/năm. Tất cả nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, hợp vệ sinh, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Lựa chọn nơi mua sắm an toàn

Còn nhớ hồi tháng 5-2020 vừa qua, ở TP Đà Nẵng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khiến 230 người phải nhập viện. Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng, nguyên nhân gây ra ngộ độc tập thể này là do vi sinh vật trong thức ăn vượt mức cho phép. Tới nay, 2 hộ kinh doanh tại chợ Túy Loan, Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã bị xử lý về vi phạm bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATVSTP gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về ATVSTP. Qua các đợt thanh, kiểm tra lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt quy định về bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng. Từ đó, giúp người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn các sản phẩm chất lượng, an toàn.

Dù vậy, bên cạnh việc tăng cường quản lý, xử lý các vi phạm, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần phải tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình. Trong mua sắm thực phẩm hàng ngày, cần chọn các loại rau củ quả tươi, không bị giập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ. Đối với các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản, cần chọn loại còn tươi. Với sản phẩm trứng, chọn quả có vỏ màu sáng, không có vệt đen, không bị giập, quả trứng có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng. Các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn mác đầy đủ, lưu ý hạn sử dụng, không sử dụng các thực phẩm khô đã bị mốc. Các gia đình cũng cần chú ý đến thực phẩm dự trữ cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người già yếu; không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt; bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh khỏi các loại côn trùng, sâu bọ cùng các động vật khác.

Chị Dương Thị Mỹ Hạnh (ngụ quận 12, TPHCM) cho hay, việc sử dụng sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe là tiêu chí đầu tiên mà chị đặt ra khi mua sắm. Vì thế, chị thường lui tới các điểm kinh doanh có uy tín, sản phẩm được cơ quan chức năng kiểm chứng. Đặc biệt, chị và người thân “nói không” với những điểm bán hàng lề đường, không rõ nguồn gốc, không ham rẻ để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm an toàn, chị Lương Thị Diện (phường 27 quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, là nội trợ của gia đình, chị chú trọng chọn mua thực phẩm tươi sống tại các cửa hàng có uy tín, cung cấp thực phẩm sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Các địa điểm mua thực phẩm thường xuyên của chị là siêu thị Co.opmart, cửa hàng tiện lợi Co.op Food, các cửa hàng Satrafoods… 

Tin cùng chuyên mục