Mùa mưa, nhiều nơi hết ngập

Những năm qua, TPHCM đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo và làm mới hệ thống thoát nước trên địa bàn. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào vận hành đã biến những khu vực từng là “rốn ngập” thành những khu đô thị sạch đẹp. 

“Rốn ngập” không còn ngập

Trước đây, mỗi lần có mưa hay triều cường, tại các tuyến đường lớn ở quận Tân Bình như Đồng Đen, Âu Cơ, Thoại Ngọc Hầu, Lũy Bán Bích và hàng chục tuyến đường trong khu dân cư Bàu Cát, đường cũng như hẻm tràn ngập nước, nhiều nơi ngập rất sâu. Vài năm gần đây, diện mạo đời sống người dân tại khu vực trên đã thay đổi hẳn nhờ thành phố đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng và cải tạo các hệ thống cống thoát nước. Đường sá khô ráo, sạch đẹp, dù mưa lớn hay khi có triều cường.

Ông Nguyễn Văn Thương, chủ quán mì quảng Thương trên đường Đồng Đen, cho biết, bà con giờ đi lại không còn cảnh xắn quần lội nước như những năm trước đây nên ai cũng vui mừng. Đường phố khang trang, người dân sửa chữa nâng cấp nhà lên sạch đẹp, cuộc sống thay đổi hẳn, nhất là giá nhà đất tăng lên nhiều so trước đây. Cái được lớn nhất là không còn mùi hôi thối hay ruồi muỗi bu đen mỗi khi triều cường hay có mưa. 

Mùa mưa, nhiều nơi hết ngập ảnh 1 Kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi cải tạo đã làm khu vực xung quanh hết ngập. Ảnh: CAO THĂNG
Cách đây vài năm, cứ mưa hay triều cường, khu vực vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), khu dân cư Bình Phú (quận 6), vòng xoay Cây Gõ (quận 11), ngã tư 3 Tháng 2 và Lê Hồng Phong (quận 10), Phạm Thế Hiển (quận 8)… nước ngập gần nửa bánh xe máy. Nước tràn vào nhà dân, nhiều nhà phải trang bị máy bơm để bơm nước ra ngoài.

Bác Trần Ngọc Tài, ở đối diện Nhà hát Hòa Bình, phấn khởi: “Không chỉ có gia đình tôi mà người dân ở khu vực này cảm ơn chính quyền TP đã nỗ lực nhiều năm qua để xây dựng hệ thống thoát nước, không còn cảnh ngập úng như trước nữa. Đường sá sạch đẹp, người dân tự tin kinh doanh, không phải lo nơm nớp mỗi khi thấy trời chuyển mưa”.

Ký ức của nhiều người dân sống dọc bên bờ kênh Nước Đen, kênh Tân Hóa - Lò Gốm là rác ngập trong dòng nước đen kịt và bốc mùi hôi thối, ô nhiễm trầm trọng. Mùa mưa hay khi triều cường, nhiều khu dân cư dọc theo 2 tuyến kênh này hầm hập bốc lên mùi nồng nặc của hóa chất từ các cơ sở dệt nhuộm. Thời điểm đó, toàn bộ tuyến kênh này đầy rác, nước lưu thông rất yếu. Dòng nước đen kịt, nhà sàn cơi nới, lấn chiếm rạch mọc lô nhô, mất trật tự, người dân còn vô tư xả rác và nước thải xuống rạch. Trong khi đó, tuyến kênh này là hệ thống thoát nước chính cho toàn bộ lưu vực Bắc Tàu Hủ và Tân Hóa - Lò Gốm, bao gồm các quận 5, 6, 11, Tân Phú, Bình Tân.

Còn hiện nay, ông Võ Văn Thuần, ở đường Kênh Tân Hóa quận 6, phấn khởi nói: “Tuyệt vời! Hai bên đường được trồng cây xanh mát rượi, vỉa hè lát đá hoa cương, con đường uốn lượn rất đẹp. Lòng kênh được mở rộng, nạo vét sâu hơn, hệ thống cống hộp được làm mới hoàn toàn, lan can được lắp dọc hai bên bờ, ô nhiễm giảm đi rất nhiều. Dòng kênh đang dần hồi sinh trở lại, môi trường sống được cải thiện. Không khí trong lành, đời sống người dân được nâng lên”.

Đồng bộ nhiều công trình 

Đến thời điểm này, tình trạng ngập ở trung tâm quận 1 và quận 3 hầu như không còn mỗi khi mưa lớn. Không chỉ có mỗi 2 quận trung tâm, mà những năm qua TPHCM cũng đã giải quyết cơ bản tình trạng ngập do mưa và triều cường ở nhiều khu vực, xóa đến 90% các điểm ngập do mưa và xóa 90% các tuyến đường ngập do triều. 

Để giải quyết những “rốn ngập” trên, TPHCM đã triển khai xây dựng, cải tạo toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước tại mỗi tuyến đường với đường kính từ 2-4m (tùy theo bề rộng mặt đường).

Song song đó, TP đầu tư xây dựng hàng loạt các tuyến thoát nước tại các hẻm và được đấu nối thông suốt. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng ngập khu vực vòng xoay Cây Gõ còn phải chờ công trình xây dựng trạm bơm Phú Lâm (công suất 15m3/giây) tại khu vực gần cầu Ông Buông 2, quận 6, để bơm nước trong hệ thống cống ra kênh Tân Hóa khi có mưa lớn kết hợp triều cường (do nước trong cống thấp hơn mực nước kênh), đồng thời đầu tư khôi phục lại rạch Hàng Bàng, trước đây lấp làm đường giao thông. 

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM, hiện có 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh rạch; đã xử lý 34 vị trí, còn lại 33 vị trí. Trung tâm đã kiểm tra, thống kê từng vị trí và có văn bản gửi các quận, huyện để địa phương hỗ trợ giải tỏa các vị trí lấn chiếm này. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết các điểm lấn chiếm hiện rất chậm và ảnh hưởng đến hiệu quả thoát nước. 

Đến nay, TPHCM đã hoàn thành hàng chục dự án cải tạo, lắp mới hệ thống thoát nước bằng nguồn vốn ngân sách.
Riêng 3 dự án thoát nước sử dụng vốn ODA (dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ; giai đoạn 2 dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) và dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang thực hiện.
TP đã đưa vào vận hành hàng trăm tuyến cống thoát nước, chiều dài hơn 300km cống. Dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ Vàm Thuật đến Nam Rạch Tra) đã hoàn thành nhiều cống lớn và tuyến đê bao dài 47,4km, giúp ngăn triều cho 3.560ha.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM), ông Vũ Văn Điệp, cho biết, so với trước đây công tác chống ngập, giảm ngập của TP đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; số điểm ngập giảm rõ rệt, chiều sâu ngập, thời gian ngập giảm. Trước đây, thời gian ngập có thể kéo dài 4-6 giờ, nhưng hiện nay ngập chỉ khoảng 15-40 phút sau mưa.

Nhiều chuyên gia về thoát nước cho rằng, điều quan trọng không kém là hiệu quả từ việc vận động nhân dân tham gia nạo vét, khơi thông dòng kênh, tạo thông thoáng dòng chảy, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường. Nhờ đó tình trạng ngập ở một số nơi trên địa bàn TP đã cải thiện đáng kể.

Tin cùng chuyên mục