Mùa mưa năm nay vẫn ngập nặng

Mùa mưa năm nay vẫn ngập nặng

Mới vào đầu mùa mưa năm 2016, nhưng nhiều người dân thành phố đã hỏi nhau: Mùa mưa năm nay có ngập? Vì sao hơn 10 năm qua, TPHCM đã triển khai rất nhiều công trình chống ngập nhưng vẫn hoàn ngập?

Bất cập cũ, giải chưa… xong

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân chính gây ngập tại TPHCM, nhưng theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, hệ thống thoát nước cũ kỹ, lạc hậu của TPHCM chỉ được thay mới khoảng 40%, là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng ngập ở thành phố. Đã vậy, theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM), hệ thống cống mới và cũ có nhiều chỗ chưa được lắp đặt đồng bộ. Hiện một số cửa xả của cống thấp hơn lòng kênh, rạch nên nước cống không thể thoát được. Kênh rạch bị lấn chiếm và bồi lắng chưa được nạo vét. Thậm chí có những đoạn kênh đã được nạo vét nhưng chỉ vài tháng sau lại tắc nghẽn vì rác. Hai năm trước, trong 58 điểm ngập ở khu vực trung tâm, các cơ quan chức năng đã xóa được 47 điểm ngập. Tuy nhiên, mùa mưa năm 2014 vừa qua, 14 điểm được xóa ngập đã… tái ngập và phát sinh thêm 2 điểm ngập mới. Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP, hiện toàn thành phố có 37 điểm ngập do mưa (gồm 8 điểm ngập ở khu vực trung tâm, 10 điểm ngập vùng ngoại vi…). Tuy số liệu thống kê như thế nhưng thực tế, chỉ vài cơn mưa đầu mùa vừa qua, tình trạng tái ngập đã diễn ra ở một số nơi. Nước ngập dường như cứ… luẩn quẩn bất chấp những nỗ lực của thành phố.

“Để có thể cải thiện tình trạng “mưa to là ngập” của TPHCM, nhất thiết phải cải tạo lại toàn bộ hệ thống thoát nước vốn đã quá lạc hậu. Nạo vét thông thoáng hệ thống kênh rạch khu vực nội đô kết hợp với ngăn chặn hiệu quả tình trạng xả rác bừa bãi xuống kênh rạch”, ông Đỗ Tấn Long khẳng định. Bên cạnh công tác quản lý đô thị còn hạn chế, ông Đỗ Tấn Long cho rằng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ quản lý đô thị đến việc thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP, xây dựng hệ thống hồ điều tiết, thực hiện quy hoạch thủy lợi chống ngập nước…

Thi công hệ thống thoát nước trên kênh Hàng Bàng (đoạn qua quận 6) chống ngập mùa mưa năm 2016 Ảnh: CAO THĂNG

Phát sinh khó khăn mới

Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, mưa với tần suất lớn xuất hiện nhiều hơn, đang là một trong những khó khăn mới phát sinh những năm gần đây trong công tác chống ngập ở TPHCM. Cách nay hơn 5 năm, “đầu bài” khi thiết kế hệ thống thoát nước cho các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé là đảm bảo tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng trung bình 75 - 92mm trong thời gian mưa 3 giờ. Nay “đầu bài” này đã lạc hậu khi ngày càng có nhiều cơn mưa có vũ lượng trên 140mm xuất hiện. Kết quả, ở ngay những khu vực được lắp đặt hệ thống cống thoát nước mới vẫn… ngập. Con số 40% hệ thống cống thoát nước được lắp đặt mới vì thế chỉ đúng với nghĩa là… cống mới. Ở góc độ đảm bảo tiêu thoát nước, chúng đã… lạc hậu. Minh chứng, chỉ hơn 1 giờ sau cơn mưa chiều 19-5 vừa qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP bị ngập sâu trong nước, khiến người dân đi lại rất khó khăn. Trong đó, nhiều tuyến đường ngập nặng như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí, Phan Đăng Lưu, Nơ Trang Long, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Chu Văn An (quận Bình Thạnh); Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Cây Trâm... (quận Gò Vấp); đường An  Dương Vương, Tân Hòa Đông (quận 6); Hàn Hải Nguyên, 3 Tháng 2 (quận 10)… Nhiều tuyến đường ở các quận huyện vùng ven như Kha Vạn Cân, quốc lộ 13, Linh Đông (quận Thủ Đức), Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn)... cũng bị ngập nặng.

Chưa kể, khi xuất hiện tổ hợp mưa vũ lượng lớn cộng với triều cường thì có đến hơn 2/3 diện tích thành phố bị ngập. Do vậy, bao giờ TPHCM hết ngập là câu trả lời rất khó trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khốc liệt như hiện nay.

Quốc Hùng

 Nên chia sẻ gánh nặng chống ngập nước

Bây giờ phê phán chuyện hệ thống cống thoát nước ở các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè… mới lắp đặt đã lạc hậu, đúng mà cũng không đúng. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), các giải pháp công trình (xây cống) luôn bị giới hạn bởi những thông số kỹ thuật: cao, dày, rộng… bao nhiêu. Trong khi đó, diễn biến của thời tiết, khí hậu thì khôn lường!

Cách đây hơn 5 năm khi ra đầu bài cho việc thiết kế hệ thống cống thoát nước của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các nhà khoa học đã căn cứ vào số liệu mưa của các năm trước đó. Nguyên tắc tính toán này là không sai. Do vậy, vấn đề ở đây là phải tìm ra các giải pháp chống ngập linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những diễn biến của thời tiết.

Theo kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… giải pháp linh hoạt hiệu quả nhất trong chống ngập là vận động cộng đồng chung tay cùng thành phố. Chỉ cần mỗi hộ gia đình ở TPHCM làm một bể nước dung tích 1m3 để chứa nước mưa, thì đã có hàng triệu mét khối nước được giữ lại thay vì đổ một lúc ra cống, làm cho cống quá tải, không tiêu thoát nước được. Sau cơn mưa một vài giờ, nếu không dùng nước ấy, người dân có thể tháo nước ra… Người dân cũng có thể trồng cây xanh trên sân thượng. Cây xanh sẽ giúp lưu giữ một phần nước. Trong các dự án phát triển đô thị lớn, nhà đầu tư có trách nhiệm làm hồ điều tiết nước hoặc đầu tư hệ thống thoát nước phù hợp… cũng sẽ góp được một phần sức lực không nhỏ chia sẻ gánh nặng chống ngập cho thành phố. Hiện nay trên thị trường đã có nhiều vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, thậm chí có cả xi măng có khả năng thấm nước… Nếu mỗi người dân, mỗi cơ quan, công sở ưu tiên sử dụng loại vật liệu này trong xây dựng, nước thoát nhanh, sẽ giúp thành phố chống ngập hiệu quả hơn…

“Hòn đá to, hòn đá nặng/Một người vác… không đặng”… Thế nhưng nếu mọi người cùng chung tay, nhất định hiệu quả thu được sẽ cao hơn. Mong lắm thay một sự thay đổi trong công tác chống ngập ở TPHCM 

Tâm Đức

Tin cùng chuyên mục