Mưa lũ hoành hành trở lại


Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc bộ phát triển mạnh nên từ ngày 4 đến 5-8, ở các tỉnh Bắc bộ có mưa vừa đến mưa to. 
Nước lũ lớn trên sông Hồng đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai (ảnh chụp ngày 4-8)
Nước lũ lớn trên sông Hồng đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai (ảnh chụp ngày 4-8)

Cảnh báo các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất; từ ngày 5 đến 6-8, trên sông Đà, sông Thao sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ từ 2-4m.

Thông tin từ tỉnh Lai Châu cho biết, vào khoảng 17 giờ chiều 3-8, tại Km98, Quốc lộ 12 đoạn qua địa phận thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên đã xảy ra một vụ sạt lở đá vào xe khách. Vụ tai nạn khiến 12 người bị thương, xe khách bị hư hỏng hoàn toàn. Bác sĩ Tao Thị Hồng Vân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Mường Lay (Điện Biên) cho biết, trong số 7 ca chấn thương phải nhập viện chiều qua, có 4 ca khá nặng vì bị chấn động não, tróc da rộng ở vùng đầu và trật khớp vai. Đến chiều 4-8, các nạn nhân nặng nhất của vụ tai nạn đã tỉnh táo trở lại, trước đó, một số nạn nhân bị chấn thương phần mềm ở mức độ nhẹ, được chữa trị kịp thời và đã xuất viện ngay sau đó.
Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh Lai Châu và một số tỉnh Tây Bắc đã có mưa to đến rất to vào sáng 4-8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc bộ hoạt động mạnh, kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao gây mưa diện rộng.
Mưa lũ hoành hành trở lại ảnh 1 Bộ đội Biên Phòng, Đoàn 356 cùng người dân đang khẩn trương tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở tại xã Vàng Ma Chải (Lai Châu)
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn huyện Phong Thổ có 6 người chết, 5 người mất tích và 2 người bị thương; 7 nhà bị sập hoàn toàn do mưa lũ tái diễn. Các nạn nhân bị tử vong gồm: Lý Thị Trà (64 tuổi) ở bản Sin Chải, xã Mù Sang; Phàn Lở Mẩy (30 tuổi), Lý Lao Tả (17 tuổi), Lý Láu Lở (15 tuổi), Lý Lao Sản (15 tuổi), Lý Lao Tả (17 tuổi) đều thuộc bản Nhóm 1, xã Vàng Ma Chải. Mưa lũ cũng đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Dào San - Sì Lờ Lầu, trong đó có 1 điểm sạt ta luy âm chiều dài 10m thuộc địa bàn Bản Mới, xã Ma Ly Chải, hiện giao thông bị ách tắc, ô tô không thể lưu thông được. Mưa lũ cũng đã gây ngập úng 20,5ha lúa chủ yếu ở xã Khổng Lào, Hoang Thèn. Nhiều hộ dân ở các xã khu vực ven sông, suối phải di dời khẩn cấp tài sản và con người tới nơi an toàn.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa trên diện rộng kết hợp với mưa lớn phía đầu nguồn trên đất Trung Quốc, nước từ thượng lưu đổ về gây lũ cao trên sông Hồng, sông Chảy đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai. Lúc 10 giờ ngày 4-8, Trạm thủy văn Bảo Yên (sông Chảy) quan trắc được mực nước lên tới 71,70m (trên báo động 1 là 0,7m). Cùng thời gian trên, Trạm thủy văn thành phố Lào Cai (sông Hồng) quan trắc được mực nước lên đến 78,94m (dưới báo động 1 là 1,06m). Dự báo đỉnh lũ cao nhất trên sông Hồng khả năng lên mức 80m (đạt cấp báo động 1). Trên sông Chảy khả năng lên tới 72m (trên báo động 1 là 1m).
Ngày 4-8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ra công điện hỏa tốc gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Phú Thọ, Thái Nguyên và các bộ, ngành về việc ứng phó với tình trạng mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất… 
Công điện nêu rõ: Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, bộ, ngành khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; bằng mọi hình thức, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh.
Chỉ đạo đến UBND, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã huy động lực lượng xung kích cùng với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt, kiểm tra rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông suối, kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường, các sự cố, báo cáo chính quyền và thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng có các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân khi có tình huống xảy ra, đặc biệt lưu ý những khu vực dân cư đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường giao thông bị ngập, có nguy cơ xảy ra đá lăn, bến đò để đảm bảo an toàn.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng lưu ý, hiện lưu lượng nước về hồ Sơn La đang lên nhanh, mực nước hồ Hòa Bình đang ở mức cao, đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2 tỉnh Sơn La, Hòa Bình bằng mọi biện pháp khẩn trương triển khai đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh trên sông, ven sông chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản…
Các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó mưa lũ, sạt lở đất; triển khai các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Do lũ thượng nguồn đổ về, ngày 4-8 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có lệnh yêu cầu thuỷ điện Hoà Bình mở lại 1 cửa xả đáy và thủy điện Sơn La cũng mở 1 cửa xả đáy vào sáng 5-8. 

Tin cùng chuyên mục