Mưa lũ gây thiệt hại trên diện rộng

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, mưa lũ ở miền Bắc xuất hiện triền miên, hết đợt này đến đợt khác; sạt lở tiếp tục xảy ra khiến nhiều nạn nhân thiệt mạng. Tại khu vực miền Trung, mưa lũ đã làm nhiều nông dân trắng tay; còn tại khu vực ĐBSCL, lũ về sớm cũng làm nhiều hécta lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng. Trong khi đó, hiện ở ngoài biển Đông, một vùng áp thấp mới lại xuất hiện...
Mưa lũ nhấn chìm huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong biển nước. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mưa lũ nhấn chìm huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong biển nước. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mưa lũ xuất hiện liên miên

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến ngày 6-8, mưa lũ, sạt lở đã làm 12 người chết, mất tích, 3 người bị thương tại huyện Phong Thổ (Lai Châu). Tại Lào Cai, theo báo cáo nhanh của địa phương, mưa lũ đã làm gần 10 nhà bị ngập, sạt lở, trên 30ha lúa bị thiệt hại. Đến nay, quốc lộ 4D bị sạt lở 1 vị trí với khối lượng khoảng 100m3; tỉnh lộ 159 bị sạt lở 3 điểm với khối lượng khoảng 1.000m3; 17 vị trí thuộc các tuyến đường huyện, đường xã bị sạt lở với khối lượng khoảng 2.180m³.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, mặc dù hiện nay nước sông Bùi đã rút xuống dưới báo động 3, tại huyện Chương Mỹ, người dân đã trở về nhà nhưng trên sông Hồng nước lũ đang lên trở lại do hàng loạt hồ thủy điện đang xả lũ. 
Căn cứ nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và diễn biến tình hình thực tế hiện nay, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở thêm 1 cửa xả đáy vào hồi 11 giờ ngày 6-8. Cùng với việc hồ Tuyên Quang mở cửa xả đáy thứ 2, trên lưu vực sông Hồng, 3 hồ chứa Hòa Bình, Sơn La và Tuyên Quang cũng đang mở 4 cửa xả đáy.
Nông dân bị ảnh hưởng nặng
Tại khu vực miền Trung, liên tục trong những ngày đầu tháng 8-2018 mưa lớn kéo dài ở các tỉnh Bắc Trung bộ không chỉ gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi mà còn hủy hoại mùa màng. Sau mưa lũ dài ngày, tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng.
Sau một thời gian dài mưa lũ, “vựa” hoa thiên lý Nam Anh đã và đang héo úa, chết rũ. Những ngày này, khi thời tiết khô tạnh, nông dân xã Nam Anh (huyện Nam Đàn) đổ ra đồng phá dỡ ruộng hoa thiên lý. 
Ông Trần Văn Nam, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Anh cho biết, do mưa lớn kéo dài nên hơn 100ha lúa của xã bị hư hỏng nặng, một số nơi mất trắng. Đặc biệt, mưa lớn kéo dài đã khiến hơn 65ha hoa thiên lý của người dân xã này bị chết rũ. Vài năm trở lại đây, cây hoa thiên lý được đưa vào trồng đại trà tại Nam Anh, hiệu quả kinh tế hơn hẳn những loại cây rau màu khác. Nếu tính giá bình quân 30.000 đồng/kg thì mỗi hécta hoa thiên lý, sau 7 tháng trồng, chăm sóc, thu hoạch đem về cho nông dân trên 300 triệu đồng/ha. “Tính sơ sơ, đợt mưa lũ vừa qua đã “cướp” mất của nông dân Nam Anh hơn 10 tỷ đồng”, ông Nam cho hay. 
Nhiều “vựa” cây trồng đặc sản của Nghệ An cũng bị thiệt hại nặng sau mưa lũ, như vùng trồng rau chuyên canh Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu), dưa hấu Nghi Lộc, ổi Nghĩa Đàn, nhãn Đô Lương, mía Tân Kỳ…
Mưa lũ gây thiệt hại trên diện rộng ảnh 1 Ngày 19-7, Bộ đội Biên Phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp nhân dân ở huyện Nghi Xuân khắc phục lại thiệt hại nhà cửa do ảnh hưởng lốc xoáy. Ảnh:DƯƠNG QUANG
Để sớm khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ, nhằm ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, UBND tỉnh Nghệ An có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành liên quan hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương 280,15 tỷ đồng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện tại hàng ngàn hộ dân đang mất nguồn sinh kế, cuộc sống hết sức khó khăn.
Còn tại Hà Tĩnh, đợt lũ vừa qua, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 7.748,2ha lúa hè thu bị thiệt hại nặng do ngập úng (trong đó có 990,7ha bị ngập úng sâu có nguy cơ bị mất trắng); gần 5.000 diện tích rau màu, cây trồng cạn bị ngập úng sâu, có nguy cơ bị thiệt hại hoàn toàn…; 226ha cá nuôi truyền thống và 7 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; có 362m kè và 45m³ đất đá, bê tông bị sạt lở; 6 cống tiêu thoát lũ bị sập trôi; 6 đập dâng bị sạt lở, hư hỏng; gần 1km chiều dài bờ biển, bờ sông bị sạt lở cuốn trôi. Khoảng 820m3 đất đá, bê tông trên quốc lộ 8A bị sạt lở mái taluy dương (km82+400 gần cửa khẩu quốc tế Cầu Treo), có 3,7km, 8 cầu cống trên các tuyến giao thông tỉnh, huyện bị sạt lở, hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính 161,5 tỷ đồng.
Chiều 6-8, Trung tâm Quản lý cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuộc Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết ùn tắc phương tiện giao thông chở hàng hóa qua cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) và Densavan (Lào). Nguyên nhân, do  ảnh hưởng mưa lũ kéo dài ở Lào nên tuyến đường từ Lào về Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế Nà Phào (Khăm Muội, Lào) - Cha Lo (Quảng Bình, Việt Nam) ngập nước, khiến các phương tiện vận tải hàng hóa phải đổi tuyến theo quốc lộ 9 qua cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan. Ngoài ra cũng do thời tiết bất thường nên chủ hàng, phương tiện không kịp mở lại tờ khai nhập khẩu.
ĐBSCL: Tập trung ứng phó với mưa lũ 
Liên tục những ngày qua ở các tỉnh ĐBSCL có mưa, cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên sông Tiền và sông Hậu lên nhanh. Mực nước cao nhất ngày 6-8 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,25m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,6m; dự báo đến ngày 10-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,6m (trên báo động 1 là 0,1m); tại Châu Đốc lên mức 3m (đạt mức báo động 1). Trước tình hình mưa lũ diễn biến khá phức tạp, ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL đang dồn sức ứng phó. 
Mưa lũ gây thiệt hại trên diện rộng ảnh 2 Mưa dông liên tục làm lúa hè thu ở ĐBSCL đổ ngã
Tại huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN-PTNT huyện, cho biết, do đặc thù An Phú là huyện nằm tiếp giáp biên giới Campuchia và năm nay lũ về sớm hơn khoảng 15-20 ngày gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có khoảng 13.000ha lúa hè thu và khi nước lũ về thì nông dân tập trung thu hoạch; đến nay cơ bản đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, do lũ về sớm cộng triều cường và mưa nhiều đã làm mất trắng khoảng 47ha lúa và hoa màu nằm ngoài đê bao. Những ngày qua, ngành nông nghiệp phối hợp cùng chính quyền các xã và người dân… khẩn trường gia cố đê bao bảo vệ sản xuất. Bên cạnh đó, triển khai xuống giống khoảng 7.500ha lúa thu đông ở những khu vực có đê bao đảm bảo. 
Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, do mưa bão và lũ về sớm làm ảnh hưởng hơn 7.500ha lúa đang trong giai đoạn gần thu hoạch và hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong số này có hơn 2.100ha lúa hè thu bị thiệt hại 30%-70%; 320ha bị thiệt hại trên 70%; hơn 5.000ha lúa hè thu bị đổ ngã phải bơm rút nước để cứu lúa... Ngoài ra, toàn tỉnh còn khoảng 14.000ha lúa và hoa màu nằm ngoài đê bao, chưa đảm bảo ăn chắc, nhưng một số hộ dân vẫn sản xuất vụ này, bất chấp sự khuyến cáo của ngành chức năng. Hiện tại, ngành nông nghiệp và chính quyền triển khai các biện pháp bảo vệ, tuyên truyền cho bà con tranh thủ thu hoạch đối với những diện tích lúa đã chín, nhằm giảm thiểu thiệt hại. 

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, mới đây Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cùng với UBND tỉnh đã đi khảo sát nắm tình hình phòng chống lũ ở các huyện vùng biên giới. Bí thư Tỉnh ủy An Giang yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền để người dân biết và chủ động ứng phó với mưa lũ bất thường, tập trung bảo vệ sản xuất trong và ngoài đê bao.

Tại Kiên Giang, ngành chức năng và người dân cũng tất bật ứng phó với mưa lũ. Theo Sở NN-PTNT tỉnh này thì kế hoạch sản lúa hè thu năm 2018 là 280.000ha, nhưng do lúa được giá nên nông dân xuống giống tới 303.000ha. Những ngày qua đã thu hoạch được khoảng 100.000ha, năng suất khoảng 5,3 tấn/ha. Đối với lúa thu đông kế hoạch xuống giống 74.000ha, nhưng mưa liên tục và lũ về sớm khiến nhiều hộ lo lắng. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo chỉ sản xuất lúa thu đông ở những vùng lũ về muộn, vùng có đê bao an toàn… nhằm không bị lũ uy hiếp. Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiệm vụ phòng chống lũ đang được tập trung quyết liệt. Khoảng 130.000ha lúa thu đông của tỉnh chỉ được sản xuất ở những vùng có đê bao ăn chắc, đảm bảo công trình chống lũ xấp xỉ năm 2011. Đối với những nơi không sản xuất lúa thu đông thì ngành nông nghiệp chủ trương xả lũ để bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, tháo chua xả phèn, diệt mầm bệnh....

Dự kiến, tổng diện tích xả lũ khoảng 82.000ha, thời gian xả lũ từ tháng 8 đến tháng 10-2018; sau đó bơm, rút nước để xuống giống lúa đông xuân. Cùng với phòng chống lũ, Đồng Tháp cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất gắn với mùa lũ nhằm tăng thu nhập cho nông dân. 

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh thêm và thời tiết xấu trên vùng biển phía Nam, sáng 6-8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố bị tác động trực tiếp của thời tiết xấu đề nghị theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của vùng áp thấp, gió mùa Tây Nam trên biển; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu vận tải đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo cảnh báo mới của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 6-8, có một áp thấp đang hoạt động mạnh trên biển Đông. Dự báo, ngày 7-8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15-16 độ vĩ Bắc và 114,5-115,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300-350km về phía Đông Đông Nam, nhưng trước mắt chưa có khả năng tác động gây gió mạnh, mưa lớn cho đất liền các tỉnh miền Bắc. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ở khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m.

Khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14-17 độ vĩ Bắc kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Từ nay đến ngày 8-8, ở các tỉnh Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông; Tây Nguyên và Nam bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

Tin cùng chuyên mục