Mưa lũ ập về, nhiều người chết, mất tích

Mưa lớn tại tỉnh Thái Nguyên làm 3 người tử vong, gây mất điện trên diện rộng; nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Thái Nguyên bị ngập sâu, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội.
Tỉnh lộ 127 nối 2 huyện Nậm Nhùn - Mường Tè, tỉnh Lai Châu bị ách tắc do sạt lở đất
Tỉnh lộ 127 nối 2 huyện Nậm Nhùn - Mường Tè, tỉnh Lai Châu bị ách tắc do sạt lở đất

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc bộ, từ ngày 9-9 đến 10-9, tại miền Bắc đã có mưa to trên diện rộng, kéo dài cả ngày.

Nước trên sông Cầu dâng cao. Nhiều nơi như biến thành sông sau 1 đêm mưa như trút. Nhiều tuyến đường tại TP Hà Nội ùn tắc do mưa to đúng giờ cao điểm. Mưa lớn tại tỉnh Thái Nguyên làm 3 người tử vong, gây mất điện trên diện rộng; nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Thái Nguyên bị ngập sâu, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội.

Tại tỉnh Tuyên Quang, tối 9-9, trong lúc đi xe máy qua cầu tràn Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, anh Hoàng Văn Trinh (SN 1972) cùng vợ là Hoàng Thị Thủy (SN 1972) và con gái 7 tuổi, trú tại thôn 8 Minh Tiến, xã Minh Hương, đã bị nước cuốn trôi. Đến 11 giờ ngày 10-9, các lực lượng đã tìm thấy thi thể anh Trinh, chị Thủy và tiếp tục tìm kiếm con gái anh chị.

Ở huyện Na Hang, mưa lũ làm 4 nhà dân ở xã Yên Hoa đổ sập; hơn 21ha lúa, cây ăn quả và hoa màu tại các xã Khâu Tinh, Sơn Phú, Đà Vị và Côn Lôn bị ngập úng. Mưa lũ cũng khiến hơn 2.050m³ đất đá tại 2 xã Thượng Giáp và Hồng Thái sạt lở, gây ách tắc đường…

Tại tỉnh Lai Châu, một “hố tử thần” khoảng 80m² xuất hiện tại Km9+500 (địa phận xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường) trong trận mưa lớn, gây ách tắc cục bộ tuyến đường này.

Sáng 10-9, Phòng NN-PTNT huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, khoảng 1 giờ sáng cùng ngày, sét đã đánh trúng một nhà dân làm 3 người đang ngủ trong nhà bị thương. Tại tỉnh Hà Giang, mưa lớn kéo dài từ đêm 9 đến sáng 10-9, gây thiệt hại nặng về tài sản của người dân, khiến nhiều tuyến đường huyết mạch đi các xã vùng cao bị ách tắc do sạt lở đất. Có 300 ngôi nhà và 8 điểm trường bị hư hỏng do ngập lụt và bị nước, đất đá tràn vào nhà, cuốn trôi nhiều tài sản giá trị; hơn 50ha lúa bị ngập.

Ngày 10-9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký công văn gửi các tỉnh đề nghị kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư đến nơi an toàn…

Tổng cục Thủy lợi cũng đã có công điện gửi các tỉnh, đề nghị chủ động hạ thấp mực nước hồ chứa nước để đón mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt là không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du; khoanh vùng cụ thể khu vực thấp, trũng, thường xuyên bị ngập lụt, úng để có phương án ứng phó với ảnh hưởng của mưa lũ; tổ chức tiêu nước đệm và vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn gây ngập lụt, úng.

Tin cùng chuyên mục