Mùa lễ hội 2019 còn nóng?

Không lâu nữa mùa lễ hội xuân năm 2019 sẽ bắt đầu. Thời điểm này những nỗi lo về lễ hội bạo lực, phản cảm, nhuốm màu kinh tế thị trường mà mất đi bản sắc truyền thống, biến tướng, xô lệch… vẫn còn hiển hiện. Câu chuyện về cướp phết, tranh lộc, giẫm đạp đến hụt hơi, gây đổ máu, nhếch nhác phản cảm trong lễ hội đầu năm lại được đặt ra. 

Nhiều phương án 

Ngay trong những ngày đầu năm 2019, vấn đề về công tác lễ hội xuân đã được rậm rịch lên kế hoạch. Ông Tô Văn Động- Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết, những vấn đề tiêu cực sẽ tiếp tục được hạn chế tối đa trong mùa lễ hội 2019. Công tác cấp phép tổ chức lễ hội sẽ được siết chặt. Những lễ hội phi truyền thống, lễ hội truyền thống cho doanh nghiệp đứng ra tổ chức... sẽ không được cấp phép. Những lễ hội đã được tổ chức định kỳ mà nảy sinh vấn đề gây bức xúc trong dư luận sẽ được tham vấn ý kiến cộng đồng, chuyên gia để lựa chọn hình thức phù hợp với đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Sẽ có giải pháp chủ động, quyết liệt hơn để xóa bỏ những hành động phản cảm, tiêu cực, như: cướp lộc bạo lực, đốt vàng mã quá nhiều… 

Mùa lễ hội 2019 còn nóng? ảnh 1 Mùa lễ hội xuân 2019 được kỳ vọng sẽ giảm thiểu phản cảm
Cụ thể, lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), một trong những lễ hội thu hút lượng du khách trong nước và quốc tế lớn nhất, đã có nhiều phương án duy trì và kiểm soát hoạt động trong suốt 3 tháng lễ. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2019, tất cả hành vi đổi tiền lẻ, dịch vụ kinh doanh thịt động vật hoang dã, treo móc thịt tươi sống phản cảm, thực phẩm nướng gây khói... sẽ bị cấm trong khu vực lễ hội. Ban tổ chức sẽ trực tiếp cấp phép cho những người tham gia công tác phục vụ ở các đền, chùa, động... trong khu vực thắng cảnh; bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức bảo đảm thuận tiện, hợp lý; kiên quyết xử lý hình thức quảng cáo bán hàng bằng loa đài, các điểm cờ bạc trá hình hay hàng quán trong khu vực các chùa, động...

Sau nhiều năm chật vật với nạn tranh cướp lộc đầy bạo lực, phản cảm, mùa lễ hội 2018 là năm đầu tiên Ban tổ chức Lễ hội Đền Sóc quyết định thay đổi phương thức tổ chức, đạt hiệu quả tích cực. Việc đẩy sớm thời gian hành lễ cũng như thay đổi hình thức rước lễ, tán lộc đã góp phần bảo tồn nguyên vẹn ý nghĩa lễ hội, cũng như làm thay đổi tư duy, nhận thức tiêu cực, thiếu lành mạnh của một bộ phận người dân và du khách. Ban tổ chức khẳng định, những giải pháp trên sẽ tiếp tục được thực hiện trong mùa lễ hội 2019.

Tại nhiều địa phương có các lễ hội xuân thu hút du khách như lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội đền Trần (Nam Định), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), hội Lim (Bắc Ninh)…, công tác tổ chức lễ hội cũng đang gấp rút được hoàn thiện.

Sẽ dừng tổ chức nếu hỗn loạn…

Thay vì việc chỉ đưa các văn bản chỉ đạo một cách hành chính như mùa lễ hội trước, năm nay, Bộ VH-TT-DL đã cử nhiều đoàn cán bộ đi làm việc với từng địa phương- nơi có các lễ hội “nóng” để cùng người dân tìm tiếng nói chung. 

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) Ninh Thị Thu Hương chia sẻ, lễ hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) trong vài mùa gần đây luôn trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý và không hài lòng từ phía truyền thông, dư luận cùng nhà quản lý. Nhiều yếu tố truyền thống đã bị biến tướng và trở nên xô lệch. Thay thế những hình ảnh giới thiệu nét đẹp của lễ hội là cảnh tượng các thanh niên trai tráng lấm lem bùn đất, giẫm đạp, xô xát để tranh giành quả phết. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền thiếu định hướng cũng khiến cho người tham gia ôm ấp niềm tin thái quá và tìm mọi cách để chạm tay, hoặc cướp được quả phết cầu may. Chính vì điều này, công tác tổ chức lễ hội phết Hiền Quan đang được quan tâm đặc biệt.

Dự kiến đến giữa tháng 1-2019, toàn bộ kế hoạch tổ chức mùa lễ hội xuân 2019 sẽ được gửi về Bộ VH-TT-DL để các bên một lần nữa cùng giải quyết những vướng mắc, tồn tại của các địa phương. Mong rằng với sự vào cuộc sớm và quyết liệt của các cơ quan quản lý, công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương sẽ tiếp tục được thực thi nghiêm túc. Mỗi người dân tham gia lễ hội sẽ đề cao trách nhiệm vì việc chung, vì cộng đồng. Có như vậy, mỗi lễ hội sẽ thực sự là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng đầy hấp dẫn cho nhân dân và du khách; những phong tục tập quán tốt đẹp trong lễ hội sẽ tiếp tục được thực hành, lan tỏa giá trị trong đời sống.

Cùng chia sẻ nỗi lo lắng này, Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan đã được hoàn thiện theo hướng xóa bỏ những hình ảnh bạo lực, giẫm đạp nhau, gây thương tích, phản cảm... Theo đó, thời gian tổ chức đánh phết năm 2019 và những năm tiếp theo của đề án sẽ vào 2 ngày 12 và 13 tháng Giêng, phần lễ được tổ chức vào các buổi sáng và phần hội được tổ chức vào các buổi chiều. UBND xã Hiền Quan đề xuất phương án “kết hợp cách đánh phết truyền thống với cách đánh phết hiện tại”. Tán đồng phương thức này, đại diện Cục VHCS lưu ý thêm: Ban tổ chức cần bố trí đầy đủ phương tiện, công cụ và con người để kiểm soát, tránh để vỡ trận. Các giải pháp đảm bảo an toàn cần tính toán chặt chẽ, với việc cần tăng cường công tác tuyên truyền. Người Hiền Quan phải tự bảo vệ lễ hội của mình, không để du khách khắp nơi hoặc nhân dân các vùng lân cận cùng lao vào tranh cướp phết. Nếu xảy ra sự cố, có thể tạm dừng…

Ở hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc), ban tổ chức cần có những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật liên quan tới sự an toàn và tính mạng của người tham gia hội. Năm 2018, dù đã có hàng rào an toàn được dựng lên, nhưng trâu chọi vẫn húc đổ một đoạn rào dài. Những đề nghị việc bán vé để hỗ trợ công tác tổ chức, hỗ trợ người nuôi trâu đã bị kiên quyết bác bỏ.

Chia sẻ những lo lắng trước mùa lễ hội, lãnh đạo Cục VHCS nói: “Lâu nay công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lễ hội đã sai. Điều đó cũng lý giải vì sao tại lễ hội, bà già, trẻ con cũng lao vào cướp chiếu. Những hình ảnh này hoàn toàn sai lệch với giá trị truyền thống của lễ hội, nếu Vĩnh Phúc không thay đổi trong công tác quản lý và tổ chức ở lễ hội này thì UBND tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp rõ ràng...”.

Tin cùng chuyên mục