Mua bán giấy tờ tùy thân

Thời gian gần đây, tại TPHCM xuất hiện việc công khai mua bán giấy tờ tùy thân. Chứng minh nhân dân (CMND), giấy phép lái xe… của những người không may bị mất, hoặc giao cho tiệm cầm đồ rồi không chuộc lại, đã trở thành món hàng mua đi bán lại. Người đứng tên trên các giấy tờ này và người mua để sử dụng các giấy tờ này có thể gặp nhiều hệ lụy.
Mua bán giấy tờ tùy thân
Việc mua bán giấy tờ tùy thân diễn ra ở một số tiệm cầm đồ và một số điểm bán đồ cũ bên lề đường Hùng Vương (quận 5), lề đường gần Bến xe quận 8, chợ Dân Sinh (quận 1), chợ đồ cũ ở đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), lề đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp)...
Chúng tôi ghé một tiệm cầm đồ trên đường Lê Đức Thọ (phường 10, quận Gò Vấp) hỏi mua giấy tờ tùy thân, ban đầu chủ tiệm rất dè chừng, nhưng khi biết mua với mục đích mở thẻ ATM nhằm tăng doanh số, thì người này liền đem ra một túi đựng CMND và cà vẹt xe, rồi hỏi: “Em cần mua CMND độ tuổi bao nhiêu? Số lượng bao nhiêu? Mỗi CMND giá 150.000 đồng”. Chúng tôi vờ chê giá quá cao thì người này nói: “Các CMND này do khách cầm đồ cắm thôi em à. Khách hàng không đến chuộc nên bây giờ phải bán, chỉ mong thu hồi được chút ít vốn thôi”.
Chợ đồ cũ trên đường Nguyễn Kiệm chủ yếu bán các mặt hàng đã qua sử dụng, nhưng cũng có người bán giấy tờ tùy thân. Nghe chúng tôi hỏi mua CMND, người bán liền nói: “Mua để làm gì? Số lượng nhiều không? Nam hay nữ?”. Khi nghe chúng tôi nói mua với mục đích mở thẻ, người bán nói để các CMND ở nhà và hẹn 12 giờ ngày hôm sau quay lại mua, số lượng bao nhiêu cũng có hết. Anh này còn hỏi thêm: “Có mua bằng lái xe không? Có cả nam lẫn nữ”.
Các đối tượng mua giấy tờ tùy thân của người khác thường dùng cho nhiều mục đích, như: mở thẻ ATM để giao dịch giấu mặt; lập công ty lừa đảo và làm giả hóa đơn; vay vốn tiêu dùng hoặc mua trả góp từ các công ty tài chính rồi chiếm đoạt tài sản…
Với CMND mua được, kẻ gian lột ảnh ra, rồi dán ảnh mình vào, mang đi ép dẻo là xong. Còn con dấu trên ảnh thì chẳng mấy ai quan tâm, thấy mặt và ảnh trên CMND giống nhau là được. 
Trong việc mua bán giấy tờ tùy thân, người đứng tên trong các giấy tờ đó có thể gặp nhiều rủi ro và rắc rối khi bị kẻ xấu dùng vào mục đích trái pháp luật. Người mua để sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác cũng có thể gặp rắc rối với pháp luật, nếu như người đứng tên trên CMND là kẻ gian đang bị truy nã.
Theo Nghị định 167/2013, người sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; tẩy xóa, sửa chữa CMND; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng. Đối với người có hành vi làm giả CMND hoặc sử dụng CMND giả, sẽ bị phạt 2 - 4 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục