MTTQ phản biện Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quy định về lộ trình bỏ khung giá đất

Các ý kiến kiến nghị cần quy định lại thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất, tính độc lập của cơ quan thẩm định giá đất và cơ chế kiểm soát khi cơ quan có thẩm quyền quyết định bảng giá đất. Quy định về lộ trình bỏ khung giá đất.
Hội nghị MTTQ phản biện Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội nghị MTTQ phản biện Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 15-9, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức trực tuyến hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV. Luật Đất đai (sửa đổi) tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần giải quyết các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị tập trung phản biện đối với một số nội dung cụ thể, trong đó có việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Tập trung những nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng giao đất, cho thuê đất. Làm rõ tiêu chí giao đất, cho thuê đất, đặc biệt, cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng; tiêu chí, hạn mức giao các loại đất, trong đó quy định rõ hạn mức đất giao cho tôn giáo, loại giao không thu tiền, có thu tiền sử dụng đất.

MTTQ phản biện Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quy định về lộ trình bỏ khung giá đất ảnh 1 Các đại biểu dự hội nghị

Đặc biệt, nội dung phản biện cần tập trung vào vấn đề hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, thể chế hóa quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW “có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo. Trong đó cụ thể là quy định về bỏ khung giá đất theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, tác động của việc bỏ khung giá đất, lộ trình thực hiện và cần quy định cụ thể như thế nào trong dự thảo luật. Hài hòa lợi ích, khắc phục việc lợi dụng; lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Báo cáo các ý kiến gửi đến hội nghị phản biện xã hội và định hướng các nội dung phản biện, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Các ý kiến đề nghị hạn chế tối đa việc không quy định cụ thể trong luật mà đưa vào Nghị định, đặc biệt là chế độ pháp lý của các loại đất (đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; đất bãi thải, xử lý chất thải; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, bảo quản lưu trữ tro cốt...). Rà soát lại đất công sử dụng không đúng mục đích; đất lấn biển đấu giá hay giao cho chủ đầu tư, khi thu hồi thì bồi thường thế nào... Khi trình dự thảo luật cần thiết phải có dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết đi kèm, áp dụng nguyên tắc một luật sửa nhiều luật.

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trong đó, cần bổ sung các quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thể là cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội được giao quyền sử dụng đất với trách nhiệm là người sử dụng tài sản công. Phân định với quyền đại diện của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong Luật Đất đai đảm bảo sự tương thích với điều 53 Hiến pháp.

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phạm vi lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các ý kiến kiến nghị điều 46 quy định cụ thể hơn về phương thức, cách thức tham vấn ý kiến người dân, trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân, trường hợp phải lấy phiếu đến từng hộ dân, phương án giải quyết khi đa số hộ dân không đồng tình. Đề nghị quy định về việc người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp (hoặc lấy phiếu) đến từng hộ gia đình, hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân.

Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa trong luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng; bồi thường theo giá thị trường và xác định rõ nguồn gốc đất. Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, cần rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Trong một dự án chỉ áp dụng một hình thức thu hồi đất.

Với quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo, các ý kiến ghi nhận việc bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà, đất, đầu cơ và bỏ hoang đất… được kỳ vọng mang lại tác động mạnh mẽ nhiều mặt cho thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, kiến nghị cần quy định lại thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất, tính độc lập của cơ quan thẩm định giá đất và cơ chế kiểm soát khi cơ quan có thẩm quyền quyết định bảng giá đất. Quy định về lộ trình bỏ khung giá đất.

Về vấn đề bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, ngày 15-9, tại buổi họp báo Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 do Văn phòng Quốc hội tổ chức, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, không dễ xác định giá đất theo thị trường, khó đưa ra một bảng giá đất thỏa mãn hết các lợi ích. Thực tế, thị trường đất đai tại Việt Nam hiện vẫn tồn tại cơ chế hai giá: giá theo khung giá đất nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án; và giá cả trên thị trường, thường xuyên biến động và cao hơn nhiều lần so với khung giá đất. Việc chênh lệch này dẫn đến nhiều hệ lụy khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn chứng, khi nhà nước thu hồi đất đai, hỗ trợ tái định cư, nếu giá đất theo thị trường thì người dân sẽ được lợi do được bồi thường cao hơn. Lúc đó việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đất đai sẽ giảm. Ngược lại, chi phí doanh nghiệp bỏ ra cho bồi thường, tái định cư... sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, bảng giá đất cũng là căn cứ để tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất..., nên các khoản chi phí này của doanh nghiệp cũng tăng theo. 

Tin cùng chuyên mục