Trường Lý Tự Trọng Khu Tây Nam bộ

Một thời để nhớ

Một thời để nhớ

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng phát triển, vùng căn cứ  Khu Tây Nam bộ và một số tỉnh ngày càng mở rộng, cơ quan,  đơn vị lực lượng võ trang ngày càng đông hơn, đòi hỏi cán bộ, nhân viên (kể cả cán bộ, chiến sĩ trong quân đội) đều phải có trình độ học vấn tương đối nhằm đảm đương nhiệm vụ.

Một thời để nhớ ảnh 1

Từ đó Khu ủy Khu Tây Nam bộ chủ trương xây dựng Trường phổ thông Lý Tự Trọng dạy văn hóa cấp 1,2 trong vùng căn cứ kháng chiến cho con em của khu và của tỉnh. Dù nhiều lần  bị máy bay Mỹ bắn phá hư hại (có lần bị phá hủy) nhưng trường đều được đồng bào các thầy cô và các em học trò xây dựng lại để dạy và học…

Thành lập từ năm 1964 hoạt động cho đến năm 1975, Trường Lý Tự Trọng là nơi đào tạo hạt giống đỏ của miền Tây Nam bộ. Lúc đầu, trường chỉ có đội ngũ thầy cô từ trong kháng chiến chống Pháp, sau đó có thêm đội ngũ thầy cô là con em miền Nam tập kết được đào tạo từ miền Bắc trở về và một số thầy cô được chi viện từ miền Bắc vào. Trong hơn 10 năm trường đã đào tạo khoảng 700 học sinh tốt nghiệp cấp I, cấp II. Khi ra trường, phần lớn các em công tác tại các ngành cấp Khu, một số công tác ở tỉnh và một số đi bộ đội trực tiếp chiến đấu.

Trong số đó, có hàng trăm em đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu, nhiều em được phong anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều em có những thành tích xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều cựu học sinh của trường tiếp tục trưởng thành và cống hiến trong nhiều lĩnh vực.

Trong số đó có thể kể đến một số gương mặt như: Trung tướng Phạm Hồng Lợi -  Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; bà Phạm Phương Thảo - Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM; ông Bùi Công Bửu - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; bà Phạm Thị Việt Nga - Anh hùng Lao động - Giám đốc LHXN Dược Hậu Giang… Với những đóng góp của mình, Trường Lý Tự Trọng là một viên gạch góp phần xây nên truyền thống kháng chiến chống Mỹ đồ sộ của dân tộc nói chung, khu Tây Nam bộ nói riêng.

Trong dịp 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một nhóm cựu học sinh Trường Lý Tự Trọng đã biên soạn cuốn kỷ yếu về trường với tên “Một thời để nhớ”. Cuốn kỷ yếu không phải là tư liệu lịch sử, cũng không phải là một tác phẩm văn học nhưng lại cuốn hút với những suy nghĩ, những tình cảm được kể lại bằng lời lẽ mộc mạc, chân thành và tái hiện một phần nào những năm tháng không thể nào quên…

Có thể những gì có trong cuốn kỷ yếu chỉ là một phần rất nhỏ trong thành tích lớn lao của Trường Lý Tự Trọng khu Tây Nam bộ đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có thể những bài viết và hình ảnh trong quyển kỷ yếu này chỉ là vài nét chấm phá về một ngôi trường, một tập thể con người được giáo dục rèn luyện trong chiến tranh, nhưng qua đó người đọc  cũng hình dung được những gì mà ngành giáo dục kháng chiến đã làm được.

V.H

Tin cùng chuyên mục