Một thí nghiệm điên rồ

Chính phủ Trung Quốc vừa chỉ thị tạm ngừng các hoạt động nghiên cứu về con người sau khi tại Hội nghị quốc tế về biến đổi gien người diễn ra ngày 27-11 tại Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc), nhà khoa học Hạ Kiến Khuê đã gây chấn động khi thông báo về sự ra đời của cặp song sinh biến đổi gien đầu tiên trên thế giới. 
Nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê
Nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê

Giáo sư 34 tuổi này tuyên bố, hai bé gái song sinh khỏe mạnh đã được sinh vào tháng 11-2018 từ một người cha dương tính với HIV. Ê-kíp của ông đã vô hiệu hóa gien CCR5 liên quan đến HIV, chỉnh sửa thành công ADN của cặp bé gái song sinh bằng kỹ thuật CRISPR nhằm ngăn ngừa khỏi bị nhiễm HIV. 

Thông tin này lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia cảnh báo việc chỉnh sửa các phôi thai người có thể tạo ra những đột biến không lường trước trong những lĩnh vực khác - gọi là “tác dụng ngoài mong muốn” - điều có thể bị bỏ qua trong quá trình sinh nở. Ở trong nước, hơn 100 nhà khoa học Trung Quốc đã lập tức ký vào một tuyên bố gọi đây là thí nghiệm điên rồ.

Hãng Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Tô Nam Bình tuyên bố thí nghiệm biến đổi gien trẻ sơ sinh của nhà khoa học Hạ Kiến Khuê vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc cũng như các chuẩn mực đạo đức khoa học. Đây là một vụ việc “gây sốc và không thể chấp nhận”.  Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương, nơi ông Hạ Kiến Khuê công tác, cũng tuyên bố nhà trường không hề biết về việc nghiên cứu này. Theo tài liệu khác, năm 2017 giáo sư Hạ Kiến Khuê còn tiến hành một thí nghiệm nữa trên phôi người nhằm đánh giá độ an toàn của liệu pháp gien trong điều trị các bệnh liên quan đến di truyền và điều trị chứng vô sinh. Nghiên cứu này tuyên bố đã sử dụng tổng cộng 400 mẫu phôi để can thiệp và các mẫu sẽ được phá hủy sau sử dụng. 

Các nghiên cứu thiếu minh bạch của ê-kíp giáo sư Hạ Kiến Khuê lại một lần nữa tiếp nối cuộc tranh cãi bất tận về đạo đức học thuật và quy phạm học thuật trong lĩnh vực khoa học trên thế giới. Vấn đề đặt ra là, liệu các mẫu phôi có được phá hủy sau khi sử dụng không, khi mà công trình nghiên cứu đã lén lút ngay từ đầu. 22 năm sau thành công của nhân bản vô tính cừu Dolly ở Anh (1996), đã có nhiều động vật được thử nghiệm nhân bản... Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có các nhà khoa học Trung Quốc tùy tiện chuyển thẳng sang nhân bản người. Chủ tịch hội nghị, nhà khoa học nhận giải Nobel David Baltimore, tuyên bố đây là một thất bại của cộng đồng khoa học. Ông Peter Dabroc, nhà thần học, Chủ tịch Hội đồng đạo đức khoa học Đức, cho rằng, đây là thí nghiệm vô trách nhiệm, một thảm họa rất lớn đối với giới khoa học... Ông Peter Dabroc kêu gọi chính giới các nước hãy quan tâm đến vấn đề này, thậm chí cần phải xem xét lập ra cơ quan giám sát quản lý giống như Cơ quan  Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Công nghệ chỉnh sửa gien mở ra hướng điều trị đầy hứa hẹn đối với một số căn bệnh di truyền nhưng nó cũng đặc biệt gây tranh cãi vì những biến đổi như vậy có nguy cơ truyền tiếp cho những thế hệ sau những gien đã bị chỉnh sửa. Theo các chuyên gia pháp luật, việc tiến hành chỉnh sửa gien của thế hệ sau là “rất có vấn đề với xã hội”.

Tin cùng chuyên mục