Một thế hệ đang chịu tổn thương

Ngày 12-8 là Ngày Quốc tế Thanh niên. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngày này năm nay sẽ là dịp để các chính phủ quyết tâm hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề đang có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của thế hệ trẻ.

Mất việc và đối đầu thế hệ

Không chỉ cướp đi sinh mạng của khoảng 750.000 người (tính đến ngày 10-8), đại dịch Covid-19 còn khiến hàng trăm triệu người có nguy cơ mất kế sinh nhai. Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có tiêu đề “Covid-19 và thế giới việc làm”, thanh niên đang là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, chịu tác động rõ ràng, nhất là nữ giới.

Thất nghiệp - nỗi ám ảnh của nhiều người trẻ
Theo ILO, cứ 6 người lao động trong độ tuổi thanh niên thì có 1 người đã mất việc làm kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Trong khi đó, những người còn làm việc đã bị cắt giảm giờ làm nghiêm trọng, trung bình đến 23%. ILO cho rằng, đại dịch đang gây ra một cú sốc 3 tác động cho lực lượng lao động trẻ tuổi khi không chỉ ảnh hưởng đến việc làm, gián đoạn giáo dục và đào tạo, mà còn gây trở ngại lớn cho những người mới tham gia vào thị trường lao động hay muốn thay đổi công việc.


Thực tế đến nay cho thấy, mỗi thế hệ là nạn nhân của Covid-19 theo một kiểu khác nhau. Nếu như người lớn tuổi là nạn nhân của dịch bệnh thì giới trẻ phải gánh chịu các hậu quả của chính sách phong tỏa dẫn đến thất nghiệp, suy thoái. Trong một bài xã luận trước đây, báo Courrier International đã từng “lo xa” rằng, liệu có xảy ra sự đối đầu giữa các thế hệ khi mà thế hệ già - từng được coi là được hưởng những điều kiện thuận lợi của một xã hội có đầy đủ việc làm, tăng trưởng liên tục - đang bị cáo buộc đã để lại cho lớp trẻ “một thế giới ô nhiễm đến nghẹt thở, một thế giới về cơ bản là rất khó sống”.

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cảnh báo: “Nếu không có hành động kiên quyết và tức thời để cải thiện tình hình, ảnh hưởng của đại dịch sẽ kéo dài trong nhiều thập niên. Nếu một người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và tài năng bị bỏ lỡ do thiếu cơ hội làm việc hoặc thiếu kỹ năng thì đó cũng là tổn thất lớn cho tương lai của tất cả chúng ta. Điều này làm cho việc xây dựng lại một nền kinh tế hậu Covid-19 khó khăn, vất vả hơn nhiều lần”.

Sức khỏe tinh thần bị đe dọa

Bị phong tỏa, không thể ra ngoài, đi học và vui chơi với bạn bè cũng là nguyên nhân khiến thanh thiếu niên dễ lo âu, stress, dẫn đến các chứng bệnh về tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu… Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dưới tác động của đại dịch Covid-19, chứng bệnh trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu thế giới gây ra các loại bệnh và suy nhược trong thanh thiếu niên. Trong đó, đáng báo động là chứng trầm cảm dẫn tới hành động tự tử - nguyên nhân đứng thứ ba gây ra số ca tử vong trong thanh thiếu niên. Các biện pháp chống dịch như cách ly, có thể làm gia tăng sự cô đơn, lo lắng, mất ngủ, uống rượu bia, sử dụng ma túy hoặc thậm chí tự tử.

Ngày 9-8, Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc cho biết, Chính phủ đang thảo luận và rà soát các đối sách hỗ trợ tâm lý và tư vấn cho từng đối tượng theo từng giai đoạn. Đặc biệt với đối tượng là giới trẻ, Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương đang có kế hoạch đào tạo sử dụng smartphone đúng cách, hay tư vấn liên quan cho các đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên đang có xu hướng dùng smartphone nhiều hơn do các hoạt động ngoài trời bị hạn chế.

Bảo vệ sức khỏe thể chất là mối quan tâm chính trong những tháng đầu của khủng hoảng do Covid-19 gây ra, song khôi phục sức khỏe tinh thần là cuộc chiến lâu dài hậu đại dịch, cần có chiến lược dài hơi, ngay từ bây giờ.

Tin cùng chuyên mục