Một tháng giao tranh ở Philippines: Chưa có hồi kết

Hãng tin Sputnik cho biết, ngày 23-6 là tròn 1 tháng kể từ khi diễn ra giao tranh giữa quân đội Philippines và lực lượng khủng bố Maute có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Binh sĩ Philippines trên đường phố ở Marawi
Binh sĩ Philippines trên đường phố ở Marawi
Vụ chiếm giữ một phần TP Marawi trên đảo Mindanao này những tưởng được giải quyết nhanh chóng nhưng rốt cuộc đã kéo dài hơn dự kiến.

Gần 400 người chết, hơn 200.000 người sơ tán


Trong thông báo mới nhất, Trung tá Christopher Tampus của quân đội Philippines cho biết, chỉ còn khoảng 100 tay súng Maute đang bị dồn về một góc, diện tích kiểm soát chỉ vào khoảng 1km2 và đang bị các lực lượng Philippines cô lập theo thế gọng kìm. Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Eduardo Ano cho biết Mahmud bin Ahmad, phần tử người Malaysia, chịu trách nhiệm về tài chính cho nhóm phiến quân ở TP Marawi đã bị tiêu diệt. Ông Ano dẫn thông tin tình báo được các đối tác nước ngoài chia sẻ cho biết, tên Mahmud bị tình nghi sử dụng hơn 30 triệu peso (600.000 USD) của nhóm khủng bố để mua súng, lương thực và các nguồn tiếp tế khác cho cuộc tấn công. Đây được xem là một trong những tổn thất lớn của nhóm phiến quân Maute. 

Tuy nhiên, câu hỏi khi nào giải phóng được hoàn toàn TP Marawi thì đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Kể từ khi giao tranh bùng phát vào ngày 23-5 đến nay, gần 400 người đã thiệt mạng và hơn 200.000 cư dân thành phố buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong khi quân đội Philippines đang huy động chiến đấu cơ và máy bay trực thăng để tiêu diệt phiến quân. Việc phiến quân chiếm giữ TP Marawi của Philippines làm dấy lên lo ngại về nguy cơ các phần tử thánh chiến đang tìm cách lập một sào huyệt trên đảo Mindanao, đe dọa an ninh khu vực.

Siết chặt kiểm soát

Trước những diễn biến trên, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết, máy bay do thám của Không lực Hoàng gia Australia sẽ hoạt động tại khu vực phía Nam đảo Mindanao để hỗ trợ các lực lượng an ninh Philippines chống lại IS. Theo Bộ trưởng Payne, nguy cơ khủng bố tại khu vực này, đặc biệt từ IS và các tay súng nước ngoài, là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích và an ninh quốc gia Australia. Canberra sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác ở Đông Nam Á để chống lại IS. 

Trước đó một ngày, các ngoại trưởng Philippines, Indonesia và Malaysia cũng đã ra tuyên bố hợp tác trong việc đề ra và thực thi các biện pháp, cũng như chiến lược chống khủng bố nhằm đảm bảo IS không có chỗ dung thân tại Đông Nam Á. Các bộ trưởng cam kết tăng cường kiểm soát đối với phiến quân IS đang hoạt động trong khu vực như siết chặt nguồn tiền tài trợ; kiềm chế sự lan tràn của những nội dung mang tính khủng bố hoặc liên quan tới khủng bố trong không gian mạng, nhất là trên các trang mạng xã hội; chặn đứng hoạt động buôn lậu vũ khí, cũng như hoạt động đi lại của các phần tử khủng bố, nhất là ở những khu vực giáp biên giới của 3 nước... Theo tuyên bố chung, các bộ trưởng đã thảo luận kế hoạch hành động được đề xuất nhằm ngăn chặn nỗ lực của phiến quân IS muốn thành lập vương quốc Hồi giáo hoặc cơ sở của chúng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh và tình báo 3 nước về những mối đe dọa khủng bố; thảo luận biện pháp chống khủng bố thông qua giáo dục và sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo...

Động thái của các nước diễn ra trong bối cảnh những thông tin tình báo cho biết, hàng chục nhóm Hồi giáo cực đoan lớn nhỏ ở khu vực Đông Nam Á đã nghiêng theo tư tưởng và kiểu cách của IS hoặc xưng tôn IS là đàn anh. Tờ The Straits Times dẫn nhận định của một nhà phân tích cho rằng, các đối tượng ủng hộ IS ở Iraq và Syria xác định Singapore là một phần của cái gọi là Nhà nước Đông Á. Đồng thời, cảnh báo động thái này có thể khuyến khích các tay súng nước ngoài gây ra các vụ tấn công tại đây.

Tin cùng chuyên mục