Một tấm lòng và những trang sách

Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười) đã lập một kỷ lục rất đáng trân trọng. Từ năm 2000 đến năm 2019, ông đã biên soạn và xuất bản 10 đầu sách chuyên đề về lý luận phê bình trong giảng dạy môn Mỹ thuật. Trong đó, liên tục có 5 đầu sách đoạt 5 giải thưởng về Lý luận phê bình mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM.
Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy bên những đầu sách do ông biên soạn và xuất bản
Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy bên những đầu sách do ông biên soạn và xuất bản

56 năm tâm huyết

Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy năm nay tròn 70 tuổi. Ông hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ VIII. Ông đã gắn bó với mỹ thuật 56 năm, tham gia giảng dạy mỹ thuật từ năm 1974 cho đến năm 2017.

Từ năm 1980 đến 2019, họa sĩ Uyên Huy liên tục sáng tác nhiều tác phẩm mỹ thuật, đồng thời dồn hết công sức vào việc nghiên cứu, biên soạn sách giảng dạy về mỹ thuật, lý luận lịch sử mỹ thuật trong cả hai lãnh vực: mỹ thuật tạo hình (Plastic Art) và mỹ thuật ứng dụng (Applied Art). Trong khoảng 19 năm, ông đã biên soạn, xuất bản trên 10 đầu sách về mỹ thuật, viết nhiều bài báo, tham luận cho nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế (với Hàn Quốc tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2000; với Thái Lan năm 2009, tại Đại học Sil Pakol). Trong suốt thời gian gắn bó với mỹ thuật, ông đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong cả hai lãnh vực nói trên.

Từ năm 2000 đến năm 2019, ông liên tục đoạt 5 giải thưởng về lý luận mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM. Năm 2013, ông đoạt giải thưởng về lý luận mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam với 8 bài tham luận: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương V, Khóa VIII và tâm tư nghệ sĩ mỹ thuật; Chúng ta đang đứng trước lỗ hổng lý luận mỹ thuật; Những đặc điểm của mỹ thuật đô thị Gia Định - Sài Gòn; Đồ họa quảng cáo Sài Gòn trước 1975; Nghệ thuật điêu khắc Sài Gòn - Gia Định từ khi người Pháp chính thức xây dựng thành phố Sài Gòn; Tranh tượng và ảnh khỏa thân; Giải thưởng Hồ Chí Minh, họa sĩ Nguyễn Gia Trí; Cố họa sĩ Tú Duyên, người nghệ sĩ làm giàu cho nghệ thuật dân gian: nghệ thuật thủ ấn họa. 

Năm 2014, ông đoạt giải thưởng lý luận mỹ thuật về “Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định từ 1900 đến 1975” của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều giải thưởng mỹ thuật khác như: Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Một thoáng hôm nay, một chút xưa (2016); Nghệ thuật thị giác và những vấn đề cơ bản: các yếu tố thị giác, nguyên lý thị giác, tư duy thị giác và bố cục thị giác (năm 2018)... được đánh giá là những tư liệu quý, làm nền tảng cho lý luận về nghệ thuật thị giác.

Trăn trở từ những trang sách

Họa sĩ Uyên Huy tâm sự: “Tôi là người sinh ra và lớn lên tại miền Nam, vinh dự được thụ hưởng di sản văn hóa nghệ thuật của địa phương này. Tôi luôn thành kính nhớ ơn tiền nhân đã ra sức sáng tạo để xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật mở, đa dạng, giàu sự sáng tạo, thấm đượm bản sắc dân tộc, tính hiếu hòa, lòng nhân hậu, bao dung, trượng nghĩa, cầu tiến của người miền Nam. Nhưng tôi rất đau lòng khi liên tục nhìn thấy các di sản kiến trúc, môi trường đô thị bị hủy hoại, cũng như dự định phá bỏ và đã thực sự phá bỏ một phần Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, Dinh Thượng Thư, hàng cây trên đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng). Các tượng đài anh hùng dân tộc có trước 1975, đã góp phần làm nên cái hồn, biểu tượng văn hóa của thành phố mang tên Bác.

Chứng kiến nhiều thực tế đã xảy ra trong cuộc sống, tạo cho ông nhiều nỗi băn khoăn về những giá trị nghệ thuật đã bị phá hủy, mai một thật đáng tiếc. Chính vì thiếu sự xuyên suốt trong lý luận phê bình mỹ thuật, nên có những công trình mới thực hiện nhưng chưa phù hợp với xu thế phát triển xã hội. Ông đơn cử như trong việc biên soạn sách giáo khoa thiếu nhất quán, mà đây là công việc cực kỳ quan trọng, vì nó mang ý nghĩa giáo dục và đào tạo cả một thế hệ của đất nước. “Bộ sách giáo khoa lớp 1, chưa nói tới nội dung mà chỉ nhìn bìa sách các môn học thì ai cũng băn khoăn, bởi lẽ nó bộc lộ tính vô trật tự, kém thẩm mỹ. Bìa mỗi môn học nói lên tinh thần của môn học, trình độ thẩm mỹ của toàn ngành giáo dục. Chúng tôi thấy bìa sách của mỗi môn học đều được thiết kế một kiểu chữ khác nhau với phong cách không đẹp, từ kích cỡ, màu sắc cũng như cách trình bày. Toàn bộ bìa sách giáo khoa lớp 1 cần được nghiên cứu!” - họa sĩ Uyên Huy trăn trở.

Là nghệ sĩ sáng tác mỹ thuật, là nhà giáo yêu nghề, ông cho rằng, lý luận lịch sử mỹ thuật là lĩnh vực không chỉ để nghiên cứu hay tiếp cận suông, mà phải dựa vào nền tảng đó. Từ những cái nhỏ nhoi ngỡ như đã quên, từ những điều xa xôi tưởng chừng chỉ còn là dĩ vãng…, chúng ta cần lập nên một hệ thống lý luận bằng những dữ liệu tìm tòi công phu, xây dựng thành nền tảng học thuật mỹ thuật mang tính đặc thù của vùng đất phương Nam, đặc biệt là của TPHCM. Điều mà từ lâu, lĩnh vực này còn khá ít nghiên cứu về học thuật, cũng như khoa học lịch sử mỹ thuật, phục vụ cho việc giảng dạy mỹ thuật ở miền Nam. Điều này nhằm giúp cho học sinh, sinh viên mỹ thuật có cái nhìn khái quát trong lý luận cũng như trong lĩnh vực sáng tác mỹ thuật. 

Họa sĩ Uyên Huy cho rằng: Nói văn hóa là thứ quyền lực mềm, là linh hồn dân tộc mà hệ thống giáo dục chưa theo kịp đà phát triển của xã hội, di sản văn hóa ngày càng tàn tạ thì làm sao nói đến cụm từ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc? Ông bộc bạch, tôi nhớ mãi những lời nói của nhà văn Sơn Nam trước lúc qua đời: “Mỗi lần mặc áo dài khăn đóng, thắp hương trước bàn thờ Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt và tế lễ, tui không cầm được nước mắt, khi nhìn thấy hình ảnh kiến trúc của lăng không còn nguyên vẹn như xưa! Từ năm 1977 đến nay, toàn bộ hàng rào ngoài lăng bằng trụ gốm men xanh rất đẹp và cổ kính bị đập bỏ, thay bằng các họa tiết hình chiếc lá bằng sắt và các cổng lăng cũng thay đổi khác xưa. Buồn không nói nổi, biểu tượng văn hóa tâm linh như là một di sản văn hóa đất Sài Gòn - Gia Định, tiếp nối là TPHCM đã bị biến dạng. Không biết đến bao giờ mới khôi phục lại nguyên trạng?”.

Họa sĩ Uyên Huy đau đáu nỗi lòng: “Tôi mong mỏi đừng có thêm nỗi buồn nào mang theo, như nỗi buồn của nhà văn Sơn Nam!”.

Tin cùng chuyên mục