Mong con thông cảm cho một người đã già…

LTS: Câu chuyện của một người mẹ trong bài viết này có lẽ cũng là câu chuyện mà nhiều gia đình đang gặp phải. Đó là làm sao để gia đình nhiều thế hệ có thể thông cảm và chia sẻ cùng nhau dưới một mái nhà. “Xin con thông cảm cho một người đã già…”, không chỉ là thông điệp của người lớn tuổi gửi đến con trẻ mà còn là điều mà mỗi người con nên nhắc nhớ trong cách ứng xử với người già.
Học cách yêu thương và chia sẻ để xây dựng nền móng vững chắc trong gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Học cách yêu thương và chia sẻ để xây dựng nền móng vững chắc trong gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bé Tun đang lấy gạo nấu cơm chiều. Mẹ Tun đứng kế bên nhắc, con múc thêm đi, dư dả ra. Tun thắc mắc: “Sao kỳ vậy mẹ, bữa nào mình chẳng phải hấp cơm thừa?”. “À, nhà mình có người già, nấu nướng hay mua gì thì cũng lưu ý làm nhiều thêm chút. Vậy ông ngoại mới ăn thoải mái”. Con gái ồ à ra điều đã hiểu. Xong, con bé hỏi thêm một câu: Vậy mẹ có thế không? Giờ mẹ vẫn còn trẻ, mẹ chưa như vậy. Nhưng sau này mẹ già, con cũng nhớ nấu nướng dư ra như lời mẹ dặn nhé!

Mười bốn tuổi, có thể Tun chưa hiểu hết những gì mẹ vừa chia sẻ. Nhưng mẹ Tun thì chợt nhớ tới chị đồng nghiệp dạo này vẫn hay than phiền về mẹ chồng. Rằng, sao số chị khổ thế không biết. Làm việc tại nhà đã ngột ngạt, lại thêm cảnh mẹ chồng sướng không biết hưởng cứ hay tỏ vẻ, thi thoảng lại đòi về quê… rồi kêu chán kêu buồn. Nếp sống thì bừa bộn, tùy tiện, thật dễ khiến cho người ta bực mình; ăn nhiều mà toàn bảo “mệt, chẳng muốn ăn”. Toàn là mấy chuyện lặt vặt, kể thì giống như mình tủn mủn xét nét. Mà chịu đựng nhau thì năm dài tháng rộng, chao ôi… Đi làm còn đỡ, chứ về nhà đối diện với mẹ chồng còn rất khỏe ngồi tréo chân coi tivi, bên cạnh la liệt đồ đạc vung vãi, dưới sàn bụi bặm, ở bếp chén thì đũa lỏng chỏng, thật nản lòng. Đã vậy còn thêm lời méc mỏ lẫn nhau của mấy bà cháu nữa chứ. Đúng là ức chế kinh khủng!

Mẹ Tun chỉ biết động viên chị đồng nghiệp cố lên. Ai cũng nặng gánh, nhiều nỗi niềm. Người già như trẻ con, phải chịu khó và kiên nhẫn khi đối xử. Cha mẹ giờ đã tới tuổi cần sự thông cảm của con cái. Ngược đời thế chứ. Và mỗi chút mỗi lo âu, mỗi nghĩ ngợi, suy diễn. 

Để tăng mức độ đồng cảm, mẹ Tun “múa minh họa” tình cảnh nhà mình. Rằng, bố ruột của em đây, ông ngoại của tụi nhóc cũng có khác gì. Tăm dùng xong bẻ nhỏ rải khắp nhà. Quần áo và vật dụng tung tóe đầy nhà vệ sinh. Luôn miệng kể lể chê trách. Bữa cơm chờ gọi mời mãi ông mới đủng đỉnh đi vào. Ăn uống như mèo, sợ hao tốn, sợ hết của con cái, khuyên thế nào cũng không nghe. Đời còn gì nhọ hơn đâu hở chị! Mẹ Tun bật cười, như một cách tự lên tinh thần lạc quan cho chính mình.

Chốt lại, hai chị em bảo nhau cùng mạnh mẽ lên. Như lúc xưa cha mẹ mình từng thức đêm chăm bẵm chúng mình. Như mai này con cái mình cũng sẽ “chịu đựng” chúng ta giống như vậy. Đừng phân bì ruột thịt hay bên nội bên ngoại. Đừng chấp nhặt, cáu bẳn, vì phận làm con, người nào rồi cũng tới cảnh này, vừa là trách nhiệm, vừa là phúc phần trong kiếp làm người của mình. Cha mẹ còn ngày nào, hãy mừng ngày ấy. Vất vả hãy nhờ yêu thương san bằng. Bởi, khoảng trống mênh mông sau khi họ rời khỏi, chỉ người trong cuộc từng trải qua mới thấu hiểu. Hụt hẫng, chơ vơ không gì bù đắp, chẳng gì có thể quay lại mà sửa chữa cả…

Giống như ngày xưa, ông nội Tun lễnh lãng cũng sống cùng gia đình Tun. Thời điểm đó, ba mẹ Tun còn rất bận rộn mưu sinh, thường xuyên vắng nhà. Các sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc cho ông đa phần đều khoán trắng cho người giúp việc. Cả tuần chẳng được mấy khi trò chuyện với ông. Lắm khi mẹ Tun đi làm về, nhìn ông thui thủi trong căn phòng nhỏ, nửa nhớ nửa quên, nhìn xa xăm rồi ú ớ, rất thương. Nhắc ba Tun thì nhận lại cam kết: “Ừ anh biết rồi, để anh thu xếp lúc nào rảnh rỗi tí đã”. Cái “lúc nào” ấy trôi dần vào lãng quên. Người già thực ra họ rất cô đơn và nhiều lo sợ. Họ còn mấy niềm vui hàng ngày đâu, lại chẳng có chỗ nào để bấu víu ngoài chúng ta, những đứa con đôi lúc tự cho mình mắng mỏ, gắt gỏng khi bị làm phiền, công việc bên ngoài đã mệt mỏi lắm rồi mà còn suốt ngày cứ càm ràm, cử rử…

Nói xong, mẹ Tun bỗng chưng hửng. Tự dưng muốn bật khóc, vì thương và hối tiếc thật nhiều.

Tin cùng chuyên mục