Môi trường đầu tư ở Long An: Đất lành chim đậu

Từ tháng 5, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát dữ dội ở các tỉnh phía Nam, Long An là một trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, Long An đã từng bước vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, Long An vẫn thu hút được các nhà đầu tư, dẫn đầu thu hút nguồn vốn FDI trên cả nước.

Vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất

Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, là nhờ tập trung phòng chống dịch, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

Đầu tháng 5-2021, ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Long An xuất hiện, sau đó dịch bệnh bùng phát nhanh và lan rộng toàn tỉnh, có ngày số ca nhiễm mới Covid-19 lên đến trên 300 ca… Trước tình hình cấp bách này, Long An buộc phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, được áp dụng linh hoạt, chủ động tại địa phương. Đồng hành với tỉnh, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng nhanh chóng tổ chức sản xuất theo tình hình mới, chuyển sang sản xuất “3 tại chỗ”.

Nhờ vậy, Long An vẫn có hơn 800 doanh nghiệp với gần 50.000 lao động duy trì sản xuất “3 tại chỗ” trong lúc dịch Covid-19 hoành hành. Cũng nhờ lợi thế này, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát vào cuối tháng 9, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đã nhanh chóng chuyển trạng thái sản xuất “bình thường mới” một cách thuận lợi.

Nhiều doanh nghiệp tức tốc mở cửa đón công nhân vào sản xuất, người lao động cũng nhanh chóng khởi động, đi vào guồng máy sản xuất. Đây là một lợi thế lớn của Long An so các tỉnh thành khác, khi phần nào kiểm soát được dịch bệnh thì hàng chục ngàn người lao động ùn ùn bỏ về quê, lúc doanh nghiệp mở cửa tái sản xuất thì thiếu lao động nghiêm trọng.

Xúc tiến đầu tư, FDI đứng đầu cả nước

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, dù trong giai đoạn phòng chống dịch rất căng thẳng nhưng tỉnh vẫn tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp.

Cụ thể, ông Trương Văn Liếp, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Long An, cho biết, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh vẫn tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư. Đó là tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” với sự tham gia hơn 100 đại điểu, trong đó có đại diện các tập đoàn lớn từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc; tổ chức đoàn công tác của tỉnh Long An và Tổng Lãnh sự Nhật Bản, các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đi khảo sát và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp và làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc cùng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Long An…

Ngày 9-10, UBND tỉnh Long An đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án tiêu biểu ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phần đông là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đầu tư lên đến gần 70 triệu USD.

Long An có vị trí đắc địa, tài nguyên đất đai dồi dào, môi trường đầu tư thông thoáng, nên những năm gần đây Long An trở thành điểm đến hấp dẫn và hiệu quả với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Trương Văn Liếp, với uy tín thu hút đầu tư từ nhiều năm trước, cùng những nỗ lực thu hút đầu tư theo cách thích hợp trong điều kiện giãn cách xã hội, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong 9 tháng qua, nhưng các doanh nghiệp vẫn rót vốn, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Long An vẫn tăng cao so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 3,2 tỷ USD (tăng khoảng 2,95 tỷ USD so cùng kỳ năm 2020), dẫn đầu và chiếm khoảng 19% tổng vốn FDI đăng ký trên cả nước. Bên cạnh đó, có 31 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng trên 90 triệu USD.

 Môi trường đầu tư ở Long An: Đất lành chim đậu ảnh 1 Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đối thoại trực tuyến để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn

Cũng theo báo cáo của Sở KH-ĐT, đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 1.124 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 9.334,5 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, chiếm 52,3% tổng số dự án đăng ký, tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD, đạt 38,8% tổng vốn đăng ký. Long An hiện là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút vốn FDI.

Trong số này, có một dự án vốn đầu tư nước ngoài quan trọng được tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2021 là dự án Điện khí LNG Long An I và II do VinaCapital GS Energy Pte.Ltd (Singapore) đầu tư. Dự án có diện tích khoảng 90ha trên địa bàn huyện Cần Giuộc, bao gồm 2 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500MW, vốn đăng ký đầu tư lên tới 3,1 tỷ USD. Dự kiến dự án bắt đầu vận hành, đi vào khai thác vào tháng 12-2025.

Các khu công nghiệp được lấp đầy

Phải công nhận một điều, trong lúc dịch Covid-19 hoành hành, nhiều địa phương trong cả nước phải gồng mình đối phó, tỉnh Long An đã khéo léo, linh hoạt hoạt trong công tác vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, xúc tiến đầu tư; nhờ vậy đã duy trì được mạch sản xuất, thu hút đầu tư. Chính vì thế, các khu công nghiệp của tỉnh không chỉ vẫn duy trì hoạt động tốt mà còn ngày càng được lấp đầy.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, cho biết, nhờ chính sách linh hoạt, khéo léo, có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư đã giúp tăng tỷ lệ lấp đầy tại các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện đã lấp đầy gần 90%. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 2.385,1ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 89%.

Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, diện tích đất công nghiệp lấp đầy tăng thêm gần 62ha. Các khu công nghiệp đã thu hút được 1.664 dự án, trong đó có 802 dự án FDI với vốn đầu tư 4.856,7 triệu USD. Đối với khu kinh tế cửa khẩu có 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, diện tích 21,2ha và 2 dự án đầu tư trong nước với diện tích thuê đất là 0,66ha. Tỉnh Long An cũng đã ban hành kế hoạch đẩy nhanh đầu tư hạ tầng để có 3 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư trong năm 2021, tạo thêm quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thành Thanh, để tiếp tục thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư trên cả 3 lĩnh vực: công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ và du lịch; nông lâm nghiệp và thủy sản. Tỉnh sẽ phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, chọn lọc các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, lựa chọn đối tác, nhà đầu tư, đảm bảo nguyên tắc đầu tư lâu dài tại địa phương. Có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; tạo nhiều việc làm; hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng…

Ông Trương Văn Liếp cho biết thêm, tỉnh Long An tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, chú trọng chính sách về đất đai, nhà ở, hộ tịch, đăng ký kinh doanh, đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư; duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh hàng năm ở nhóm tốt trở lên, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, quản lý dự án mà đầu mối là Sở KH-ĐT tỉnh.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, định kỳ làm việc với các doanh nghiệp để động viên, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời tập trung hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ phát triển công nghiệp, đảm bảo điều kiện để các dự án vận hành hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục