Mỗi năm, Việt Nam mất khoảng 5% GDP, 50.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí

Theo PGS-TS Đinh Đức Trường (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), mỗi năm tại Việt Nam có đến hàng chục ngàn người tử vong do ô nhiễm môi trường (ÔNMT), trong đó khoảng 2/3 là do ô nhiễm không khí (ÔNKK). Con số này (tương ứng) năm 2018 là 71.000 người và 50.000 người.   

Hội thảo “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam từ góc nhìn kinh tế” vừa được Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng nay 14-1, tại Hà Nội.

Theo PGS-TS Đinh Đức Trường (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), mỗi năm tại Việt Nam có đến hàng chục ngàn người tử vong do ô nhiễm môi trường (ÔNMT), trong đó khoảng 2/3 là do ô nhiễm không khí (ÔNKK). Con số này (tương ứng) năm 2018 là 71.000 người và 50.000 người.   

Cùng năm, thiệt hại kinh tế do ÔNKK ước từ 10,82 tỷ-13,63 tỷ USD, tương đương từ 4,45-5,64% GDP. Chia sẻ đánh giá về mức độ nghiêm trọng của ÔNKK, TS Hoàng Dương Tùng (Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam) cũng cho biết, ÔNKK ngoài trời được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là gây ra cái chết cho 4,2 triệu người vào năm 2016. Ở Trung Quốc, đây là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại khoảng 38 tỷ USD mỗi năm.

Mỗi năm, Việt Nam mất khoảng 5% GDP, 50.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí ảnh 1 Theo thông tin tại cuộc hội thảo sáng nay 14-1, thiệt hại kinh tế do ÔNKK ước từ 10,82 tỷ  - 13,63 tỷ USD, tương đương từ 4,45 – 5,64% GDP

Để giảm thiểu ÔNKK, các chuyên gia đề xuất 3 công cụ: quản lý hành chính, kinh tế và thông tin.

Đề cập đến công cụ kinh tế, TS Trường đưa ra nhiều giải pháp tài chính, bao gồm thuế carbon, phí ÔNKK, trái phiếu môi trường. Ông cũng đề nghị thúc đẩy hoạt động hợp tác công – tư (PPP) nhằm nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Các nghiên cứu đã chỉ rõ hoạt động giao thông là nguồn phát thải chủ yếu gây  ra tình trạng ÔNKK. Nguồn tài chính cho mục đích này cần được phân bổ hợp lý cho giám sát và xử phạt vi phạm; đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, cũng về công cụ kinh tế, TS Hoàng Dương Tùng lưu ý, hiện nay Việt Nam chưa có quy định về kiểm kê nguồn thải và phí khí thải, trong khi đây là một công cụ được sử dụng phổ biến và hiệu quả ở nhiều nước.

Vẫn theo TS Tùng, năng lực của các cơ quan quản lý chuyên về chất lượng không khí còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, thông tin về ÔNKK cũng không được minh bạch, chưa tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.

“Công khai, minh bạch thông tin, từ đánh giá tác động môi trường đến các kết quả thanh tra, các số liệu quan trắc cập nhật… có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế tác hại của ÔNKK”, ông Tùng khẳng định.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Tổng giám đốc WHO, TS Tedros Adhanom Ghebreyesus rằng, ÔNKK đe dọa tất cả mọi người, nhưng những người nghèo nhất và những người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn cả. Hành động quyết liệt hơn để giải quyết ÔNKK là yêu cầu vô cùng bức thiết.

Tin cùng chuyên mục