Mở và lo với tự chủ đại học


Trong khi tại Hội trường Diên Hồng, các đại biểu Quốc hội khóa XIV thảo luận quyết liệt từng điều luật để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012 nhằm tăng cường tự chủ cho các trường đại học, thì ngoài xã hội đã và đang âm thầm diễn ra làn sóng mua bán, sáp nhập các trường đại học, cao đẳng. Điều đó cho thấy sức nóng của phát triển đại học theo xu thế mới đang phả hơi vào các điều luật, vào chính sách quản lý, đòi hỏi có sự thay đổi từ nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ cấp quản lý cao nhất. Và các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi được thông qua chiều 19-11-2018 thật sự cởi trói nhiều cho các trường trong việc thực hiện tự chủ. Việc giao quyền này không chỉ về mặt tổ chức, học thuật, tài chính mà đặc biệt tác động lớn đến các trường tư thục. Nói như PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, điểm mới nhất của luật này là sự cởi trói để các trường phát triển. Nếu như Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 của Chính phủ trước đây chỉ áp dụng thử nghiệm với một số trường thì luật này trao quyền tự chủ cho tất cả các trường và trong mọi mặt.

Một vấn đề sửa đổi quan trọng lần này là tự chủ đại học (ĐH), chuyển dần vai trò chủ quản của Bộ GD-ĐT sang quản lý nhà nước. Có nghĩa là mỗi trường ĐH phải là một thực thể độc lập về tài chính, nhân sự, học thuật, phải tự chịu trách nhiệm hoạt động và giải trình. Cấu trúc của tự chủ ĐH đặt trọng tâm vào hội đồng trường ở trường công và một phần với hội đồng quản trị ở trường tư. Hội đồng nhà trường có trách nhiệm khá cao quyết định về chính sách, chiến lược, nhân sự, tài sản, đầu tư... Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý trường. Việc xây dựng cơ chế hợp lý giúp các trường ĐH phát triển, tập trung hơn vào chất lượng đào tạo sinh viên. Trường ĐH được tự chủ sẽ có quyết định vấn đề nhanh hơn, không cần xin phép cơ quan chủ quản như hiện nay với quy trình chậm chạp, nhiêu khê. 

Điểm mở đáng nói ở luật này là cho phép các trường ĐH nhỏ tự sáp nhập với nhau để tăng sự cạnh tranh; cho phép mở rộng hơn về các loại hình đào tạo ngoài chính quy, như đào tạo liên thông, bán thời gian, liên kết, đào tạo từ xa… giúp người muốn học thêm có nhiều lựa chọn tốt hơn. Những điều này sẽ làm thay đổi căn bản hoạt động các trường ĐH hiện nay đang theo hướng phát triển đơn ngành, mà theo xu thế mới, các trường ĐH tiên tiên thế giới phát triển theo hướng tích hợp liên ngành, đa ngành. Tuy nhiên để luật có thể thực thi hiệu quả trong thực tế là điều không hề đơn giản. Để giải bài toán phát triển ĐH hiện nay, việc đầu tiên cần làm là giải bài toán hệ thống, cần mạnh dạn ghép, sáp nhập các trường và đơn ngành thành các trường ĐH lớn để tăng nguồn phát triển. 

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục khá rầm rộ, khiến nhiều người lo ngại về khả năng làm “lệch chuẩn” chất lượng đào tạo, nhất là các trường ĐH tư thục. Bắt đầu từ một nhóm đầu tư mua lại Trường ĐH Phan Thiết với 60 tỷ đồng vào năm 2013, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cũng sang tay cho chủ đầu tư mới vào năm 2014.

Tiếp theo, Tập đoàn Thành Thành Công mua Trường ĐH Yersin và Trường Cao đẳng (CĐ) Sonadezi; Trường ĐH Thành Tây được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Vicostone (VCS); Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Gia Định thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Công ty cổ phần Đầu tư Hùng Hậu sau khi sở hữu Trường ĐH Văn Hiến cũng tiếp tục mua thêm 4 trường CĐ và trung cấp khác... Và đằng sau những hợp đồng mua bán, sáp nhập đó là những thay đổi về hội đồng quản trị, xảy ra tranh chấp quyền điều hành, thay đổi cung cách quản lý, thậm chí hoạt động không như tôn chỉ, mục đích ban đầu.

Rõ ràng khi xem trường tư với bản chất là một doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục - đào tạo thì phải chấp nhận quy luật của thị trường. Sản phẩm giáo dục - đào tạo (những cử nhân tương lai) cũng sẽ do thị trường sử dụng lao động đánh giá, mà việc đánh giá đó phải trải qua ít nhất 1 thập kỷ. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần xác định đúng vị trí của trường tư trong hệ thống giáo dục và nền kinh tế. Điều cần thiết là tăng cường quản lý nhà nước chặt chẽ hơn để “thị trường giáo dục” phát triển lành mạnh, đảm bảo chất lượng và kết quả đào tạo. 

Vướng mắc lớn hiện nay là hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được đồng bộ, như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức… chưa phù hợp với nội dung Chính phủ cho phép trường tự chủ. Vì vậy một số nội dung các trường được phép tự chủ nhưng trên thực tế không thực hiện được, ví dụ như việc liên kết sử dụng tài sản của nhà trường; liên kết, liên doanh để phát triển đào tạo khoa học công nghệ.

Ngoài ra, đối với quy định về hội đồng trường trong Luật Giáo dục năm 2012 còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa phù hợp khiến vai trò của hội đồng trường trong việc quản trị nhà trường chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách các trường sau tự chủ chủ yếu dựa vào học phí. Trong khi mặt bằng học phí hiện nay không thể giúp các trường đầu tư nghiêm túc, đầy đủ cho nghiên cứu khoa học, trang bị những thiết bị hiện đại, đắt tiền… Những trăn trở, âu lo đó không chỉ cho các trường, cho ngành giáo dục, cho doanh nghiệp đầu tư mà cho cả xã hội khi muốn giáo dục ĐH Việt Nam phát triển đúng hướng, đúng tầm.

Tin cùng chuyên mục