Mở rộng thị phần nội địa cho hàng Việt

Lan tỏa hàng Việt đến các vùng nông thôn, vùng sâu không chỉ giúp doanh nghiệp Việt tăng độ phủ của hàng hóa mà còn chắc chân tại nội địa trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa ngoại đang từng ngày thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.

 

Hàng Việt giảm giá mạnh để tăng kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa
Hàng Việt giảm giá mạnh để tăng kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa

Bền bỉ cuộc vận động vì hàng Việt

Suốt hơn 10 năm qua, việc thực hiện bền bỉ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thay đổi được thói quen tin dùng hàng Việt của người dân trên cả nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2019 của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), 67% người được hỏi cho rằng kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bản thân họ đã tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 52% khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam; 36% cho rằng, trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam. 

Như chia sẻ của chị Phạm Thị Máy (ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), từ nhiều năm nay gia đình chị đã tin dùng hàng Việt và hầu như không mua đồ ngoại. Với gia đình chị, các sản phẩm như xúc xích Vissan, quần áo Việt Tiến, trứng gà Ba Huân, giày Biti’s, đường Biên Hòa, nhựa Đồng Tiến… là những thương hiệu lớn đã được chọn lựa trong nhiều năm nay. Theo chị Máy, điều này xuất phát từ việc chị cùng gia đình thường xuyên tham gia các hội chợ hàng Việt và được doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm cùng các chương trình hậu mãi tốt. 

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây của Nielsen Việt Nam chỉ ra rằng, so với mức trung bình toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam có sự ưu tiên mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm địa phương, với 17% người tiêu dùng cho biết họ chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% nói rằng đa phần họ mua hàng tiêu dùng nội địa (so với mức trung bình toàn cầu là 11% và 54%). Với xu hướng này, bà Louise Hawley, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, nhận định, sản phẩm có nguồn gốc địa phương vô cùng quan trọng ở Việt Nam và có lợi thế hơn so với các sản phẩm ít quen thuộc. 

Nâng tầm hàng Việt trong bối cảnh mới

Theo các chuyên gia, những tín hiệu tích cực trên cho thấy hàng Việt đang từng bước chắc chân tại nội địa. Đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho biết, khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương khoảng 15 tỷ EUR. Hơn nữa, hàng hóa từ EU với chất lượng cao nổi tiếng toàn cầu như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm... sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn với hàng Việt.

Xác định rõ tầm quan trọng của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kể từ sau dịch tới nay, nhiều hoạt động hội chợ hàng Việt, kết nối cung cầu hàng hóa đã được các địa phương rầm rộ thực hiện liên tục để lan tỏa mạnh mẽ hơn đến người dân. Đơn cử như tỉnh An Giang đã xây dựng chương trình hàng Việt về nông thôn năm 2020, với dự kiến sẽ tổ chức 5 phiên chợ hàng Việt và 57 chuyến bán hàng lưu động của các doanh nghiệp (Siêu thị Tứ Sơn, Co.opmart Long Xuyên, Co.opmart Tân Châu, Co.opmart Châu Đốc, Co.opmart Thoại Sơn và Công ty TNHH MTV Newcafe). 

Hay với Bình Dương, năm 2020, Sở Công thương tỉnh này dự kiến phối hợp với doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và các đơn vị có liên quan tổ chức 10 phiên chợ thuộc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tương tự ở các địa phương khác như Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… theo ngành công thương các tỉnh này, sắp tới sẽ có những chương trình xúc tiến tiêu thụ riêng cho hàng Việt qua các hội chợ hoặc chương trình kết nối tiêu thụ hàng Việt với TPHCM và các tỉnh thành khác trên cả nước. 

Tại TPHCM, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tiêu thụ hàng hóa luôn ở mức cao. Chính vì thế, các đơn vị phân phối bán lẻ trên địa bàn (Saigon Co.op, BigC, Satra…) và các doanh nghiệp sản xuất lớn đều sẽ tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động trên, qua các chương trình kích cầu giảm giá trực tiếp cho sản phẩm. Và về phía các doanh nghiệp sản xuất cũng đang tập trung đầu tư vào đội ngũ thiết kế, “làm mới” mình; đồng thời cần thắt chặt việc kiểm soát chất lượng cũng như hệ thống phân phối sản phẩm thuận tiện cho người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay. 

Bộ Công thương luôn bám sát diễn biến của dịch bệnh và tình hình thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Điển hình là đầu tháng 7-2020, Bộ Công thương đã phát động chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020”, với việc cho phép doanh nghiệp thực hiện khuyến mãi đến 100%. Thông qua đó, đơn vị bán lẻ sẽ tìm được những sản phẩm mới để giới thiệu với người tiêu dùng; còn người sản xuất bán được hàng, thu hồi vốn quay vòng sản xuất; người mua có cơ hội mua sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng.

Tin cùng chuyên mục