Mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình lên bằng công suất Thủy điện Sơn La

Ngày 10-1, tại tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên công nhân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên công nhân

Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ, một nguồn điện quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước suốt hơn 30 năm qua. Sau hơn 30 năm vận hành, đến hết năm 2020, nhà máy đã cung cấp cho đất nước tổng sản lượng gần 250 tỷ kWh, hằng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước của tỉnh Hòa Bình hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với dung tích hồ chức gần 10 tỷ m3 nước, dung tích chống lũ 5,6 tỷ m3, Thủy điện Hòa Bình tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc chống lũ, bảo đảm an toàn cho Đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với số tiền hơn 9.220 tỷ đồng, dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng công suất đặt 480 MW với 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân 488,3 triệu kWh/năm. Dự kiến, tổ máy số 1  sẽ phát điện vào quý 2-2024; tổ máy 2 phát điện và hoàn thành công trình vào quý 4-2024.

 Với việc mở rộng, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 240 MB, nâng tổng công suất Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên 2.400 MB, bằng công suất Thủy điện Sơn La. Như vậy, 3 nhà máy trên dòng sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) có tổng công suất 6.000 MB, là chuỗi nhà máy trên 1 dòng sông lớn nhất Đông Nam Á và đóng góp 30% sản lượng điện quốc gia.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những công trình thủy điện lớn trên sông Đà, gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để có được công trình đóng góp cho đất nước với tổng sản lượng gần 250 tỷ kWh, biết bao xương máu, mồ hôi đã đổ xuống (168 cán bộ, kĩ sư, trong đó có 11 cán bộ kỹ thuật Liên Xô, đã hy sinh). Nhà máy thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2 là sự kế thừa, phát huy sáng tạo của thế hệ hôm nay tiếp nối những thế hệ đi trước trong việc tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Thủ tướng yêu cầu dự án phải an toàn tuyệt đối, an toàn lâu dài và phát triển bền vững, nhất là đối với vùng hạ du, không để bất cứ sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phấn đấu hoàn thành công trình trước thời hạn ít nhất nửa năm, đưa nhà máy vào vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước.

 Thủ tướng cũng cầu EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan phải bảo đảm chủ động cung ứng đủ điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ tốt nhất đời sống của nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là về nhiệm vụ đảm bảo nguồn điện và cung ứng điện.

Tin cùng chuyên mục