Mở rộng liên kết giữa TPHCM và ĐBSCL ​

TPHCM và ĐBSCL có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất kinh doanh, kinh tế biển, kết nối năng lượng - du lịch - hàng không, hệ sinh thái khởi nghiệp và liên kết công nghiệp hỗ trợ, bình ổn và phát triển thị trường... Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, liên kết cùng phát triển giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. 
Ngày 17-12, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) khai mạc diễn đàn "Liên kết phát triển TPHCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSLL) 2021- Mekong Connect". Diễn đàn thu hút 250 đại biểu, gồm chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham dự diễn đàn

Huy động nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong quá trình phát triển kinh tế, TPHCM luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL.

Về địa kinh tế, khu vực Mekong dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, còn TPHCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ ĐBSCL. TPHCM và ĐBSCL đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất kinh doanh, kinh tế biển, kết nối năng lượng -du lịch - hàng không, hệ sinh thái khởi nghiệp và liên kết công nghiệp hỗ trợ, bình ổn và phát triển thị trường...

“Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, sự liên kết này lại càng được phát huy chặt chẽ. Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, cùng giúp nhau các nguồn lực y tế, nhân lực, thống nhất trong cách ứng xử phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, liên kết cùng phát triển giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. TPHCM kỳ vọng diễn đàn lần này không chỉ tạo được động lực lớn, mang lại hiệu quả phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng nói chung, từng địa phương nói riêng, mà còn mở ra một bước phát triển mới, mở rộng hơn trong liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, với việc thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kỳ vọng, diễn đàn là một trong những hoạt động để các bên liên quan tiếp tục quy tụ được nhiều ý kiến đóng góp, tập hợp được tiếng nói và sáng kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Đây là những khuyến nghị hết sức quý báu giúp TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL trong hợp tác liên kết để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.

Qua diễn đàn lần này, TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Mở rộng liên kết giữa TPHCM và ĐBSCL ​ ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tham quan gian hàng trưng bày tại diễn đàn

Trao đổi tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các tỉnh ĐBSCL, cụ thể là các sở NN&PTNT cần có cách tiếp cận mới về những xu thế mới. Trong đó, cần lưu ý việc kết nối người nông dân với DN.

“Một nền nông nghiệp không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó phát triển. Phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới hợp tác và liên kết. Nên thay đổi nền nông nghiệp cũ, thiên về sản xuất, năng suất, sản lượng, quan tâm nhiều đến kế hoạch đầu vào, chứ chưa chú trọng kết nối đầu ra, tìm kiếm thị trường, do đó vẫn xảy ra tình trạng giải cứu. Cần bắt đầu từ đầu ra để quyết định đầu vào, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Không bán vì giá cả

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hiện nay cần yếu tố hữu hình tích hợp với giá trị vô hình (văn hóa, lịch sử của cả một vùng đất); gửi gắm giá trị, chứ không phải bán vì giá cả như trước đây.

Các mô hình cụm liên kết ngành trong nông nghiệp, du lịch nông nghiệp nông thôn cũng cần được quan tâm. Các địa phương đừng chỉ săn đón "đại bàng" mà quên chăm sóc, lót ổ cho "chim sẻ".

“Trung Quốc đi lên từ xí nghiệp nho nhỏ hương trấn, rồi mới lên công ty lớn. Chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh mà không nhìn chiều sâu, xa hơn ở 5-10 năm nữa. Chúng ta không thiếu đất mà thiếu tầm nhìn để cho kinh tế nông thôn phát triển. Cần định vị lại nông thôn mới, nâng cao năng lực cho địa phương. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn chứng.

Mở rộng liên kết giữa TPHCM và ĐBSCL ​ ảnh 3 Các doanh nghiệp trao đổi tại diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trong liên kết phát triển vùng cần hình thành và phát triển trên nền tảng “đổi mới sáng tạo mở”.

Đối với ĐBSCL, trong bối cảnh liên kết với TPHCM hay liên kết với Vùng Đông Nam bộ, các vùng, miền, lãnh thổ khác, đổi mới sáng tạo mở là giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, bản thân diễn đàn Mekong Connect có thể xem một cấu phần quan trọng, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của vùng, từng bước tạo dòng chảy tri thức trong môi trường kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cần thiết phải hình thành thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) cho ĐBSCL. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp phát triển thị trường KH&CN theo hướng ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành sàn giao dịch thiết bị và công nghệ ĐBSCL, lấy hạt nhân nòng cốt là sàn giao dịch thiết bị và công nghệ Cần Thơ và sàn giao dịch thiết bị và công nghệ TPHCM. Hình thành và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN khu vực ĐBSCL trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, DN với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN.

Triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp/chuỗi ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng như: Chuỗi tôm, chuỗi cá tra, lúa gạo.

Tin cùng chuyên mục