Mở rộng đối tượng kê khai tài sản lần đầu là sĩ quan quân đội và sĩ quan công an

Sáng 6-9, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng. 

Ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị đại biểu Quốc hội
Ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị đại biểu Quốc hội

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.

Trình bày báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với dự thảo Luật về mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Một số ý kiến không tán thành với việc mở rộng này. Một số ý kiến ĐBQH đề nghị rà soát để bảo đảm quy định của Luật bao quát hết được các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các tổ chức tôn giáo, nhà chùa. Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước khi họ tham gia các dự án có vốn, tài sản nhà nước.

UBTVQH cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. UBTVQH đề nghị Quốc hội cho mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện như quy định của dự thảo Luật.

Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trên cơ sở cân nhắc ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Đặc biệt, về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, bà Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân. Một số ý kiến ĐBQH đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

UBTVQH nhận thấy, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật PCTN hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Theo đó, người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...

Đồng thời, dự thảo Luật quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu giao cho hệ thống thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Chính phủ để bảo đảm tính chuyên nghiệp; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc... Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN trong tình hình hiện nay. Đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.

Tin cùng chuyên mục