Mở rộng chuỗi thực phẩm an toàn

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước chủ động liên kết với các tỉnh, thành để xây dựng chuỗi nông sản an toàn. Nhờ chủ động xây dựng chuỗi, các ngành chức năng cơ bản đã giám sát được 70% nguồn sản phẩm từ các tỉnh về tiêu thụ tại thành phố. Việc giám sát được thực hiện xuyên suốt từ khâu sản xuất, vận chuyển đến các đại lý bán lẻ.
Liên kết mua thực phẩm sạch
Trang trại Phong Thúy (Công ty Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những đơn vị tại Đà Lạt cung ứng nông sản an toàn cho thị trường TPHCM từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, đơn vị này xuất đi hàng chục tấn nông sản đa dạng về chủng loại và kích cỡ. Sản lượng tiêu thụ trung bình của đơn vị này lên tới 12.000 tấn rau, củ, quả/năm.
Hiện trang trại của công ty đang sản xuất hơn 30 loại rau, mỗi loại có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, tập trung lại có hơn 80 mã hàng hóa, với trên 70% sản lượng rau đến siêu thị, nhà hàng ở TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ; khoảng 10%-15% xuất khẩu và phần còn lại bán ra thị trường truyền thống.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy, chia sẻ: “Tất cả các sản phẩm của trang trại đều tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, với hệ thống nhà chế biến, đóng gói hiện đại có quy mô hơn 3.500m2 đủ khả năng duy trì chất lượng sản phẩm rau, củ sau thu hoạch”. 
Mở rộng chuỗi thực phẩm an toàn ảnh 1 Rau Đà Lạt được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa về TPHCM tiêu thụ. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Còn tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (HTX Anh Đào, TP Đà Lạt), từ nhiều năm nay đơn vị này cũng đầu tư một cách đồng bộ quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói rồi đưa đi tiêu thụ. Tại đây, tất cả các khâu đều làm khép kín để đảm bảo nguồn rau, củ luôn giữ được chất lượng như khi vừa thu hoạch. Hàng năm, HTX Anh Đào cung cấp ra thị trường TPHCM và các tỉnh hơn 43.000 tấn rau sạch theo hợp đồng đã được ký kết, với 80 chủng loại rau, có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn và liên tục.
Mới đây, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cùng Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đã có buổi khảo sát thực tế sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thủy sản bảo đảm ATTP. Tại đây, Saigon Co.op và Công ty TNHH Mười Tuyền (Bình Thuận) đã tiến hành ký kết nhằm tăng cường đầu tư hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa kinh doanh trong hệ thống bán lẻ của mình với mức tiêu thụ khoảng 100 tấn hải sản/tháng. 
Kiểm soát chặt chất lượng
Do áp lực dân số tăng cao nên sản lượng nông sản sản xuất tại TPHCM chỉ đảm bảo cho khoảng 30% nhu cầu của người dân, phần còn lại phải nhập từ các địa phương trong cả nước hoặc từ sản phẩm nhập khẩu. Để bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, ngay từ năm 2013, TPHCM đã thực hiện “Xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn”.
Theo Ban quản lý ATTP TPHCM, thành phố đã tổ chức ký kết với một số địa phương về phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm ATTP với mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác đến sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ… Việc chủ động liên kết trước tiên phục vụ lợi ích cho người tiêu dùng, sau đó còn mang lại giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp.
Riêng tại TPHCM, hàng loạt đề án kiểm soát cung cấp thực phẩm an toàn cũng được tiến hành như đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo triển khai tại 60 cơ sở chăn nuôi (khoảng hơn 1.000 trang trại) có sản lượng cung ứng tối đa lên đến 10.000 con/ngày, 18 cơ sở giết mổ gia súc, 2 chợ đầu mối (Nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền), 4 chợ truyền thống (Hòa Bình, Bến Thành, An Đông, Thái Bình) và 338 điểm bán lẻ thuộc các hệ thống phân phối hiện đại, toàn bộ các hệ thống lớn trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, mô hình thí điểm quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau với mô hình truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code tại HTX Phú Lộc (Củ Chi) và HTX Phước An (Bình Chánh) thu hút sự tham gia của 94 hộ xã viên. 2 HTX đã tiếp nhận hệ thống in mã vạch và thực hiện in, dán tem mã vạch trên bao bì 18 sản phẩm. Từ đây, hàng ngày có hơn 10 tấn sản phẩm rau, quả các loại có dán tem truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C, Co.op Mart, Lotte, AEON và các chợ phiên nông sản an toàn. 
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP TPHCM, để quản lý tốt hơn nữa về ATTP cần tiếp tục duy trì thường xuyên việc kiểm soát từ vùng sản xuất, đồng thời nhân rộng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết nông hộ sản xuất tham gia vào các HTX tiên tiến để có thể kiểm soát thực phẩm tươi sống. Tăng cường phối hợp các tỉnh, thành phố trong quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm ATTP. Tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tăng cường truyền thông về chuỗi, giúp người tiêu dùng nhận diện được các sản phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ; quảng bá các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có uy tín.
Đến nay, Ban quản lý ATTP TPHCM đã cấp 174 giấy chứng nhận cho 79 cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế thực phẩm thuộc địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và các tỉnh thuộc ĐBSCL như Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng hơn 91.000 tấn thực phẩm/năm (chưa tính trứng gà và nước mắm). Thông qua việc xây dựng chuỗi, đã thiết lập hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục