Mở nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất

TPHCM đang xúc tiến tổ chức các tuyến xe buýt tỏa đi các tỉnh lân cận trong cự ly từ 100 - 120km, tiêu biểu là tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Đây là một trong những nỗ lực đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM.
Hành khách đi xe buýt tại tuyến sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hành khách đi xe buýt tại tuyến sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: THÀNH TRÍ

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM.

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, vì sao Sở GTVT TPHCM có ý tưởng mở các tuyến xe buýt từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh liền kề như Đồng Nai, Bình Dương, Long An nói chung?

Ông TRẦN QUANG LÂM: Có nhiều yếu tố dẫn đến ý tưởng này. Trước hết, chúng tôi thấy rằng nhu cầu đi lại của người dân từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về các tỉnh liền kề như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An là khá lớn và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Riêng nhu cầu từ TP Vũng Tàu tới sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 2.000 lượt hành khách mỗi ngày theo một chiều. Tiếp nữa, có một thực tế là thời gian qua hoạt động đưa đón hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất đi về các tỉnh lân cận, vì chưa có loại hình xe buýt nên xảy ra tình trạng xe khách chạy hợp đồng nhưng trá hình dưới dạng xe chạy tuyến cố định, gây những bất cập tại khu vực sân bay. Ngoài ra, việc mở tuyến xe buýt liên tỉnh nối kết sân bay là phù hợp với hoạch định phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong dài hạn.

Việc đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đi TP Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung sẽ giúp giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, từ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến giúp giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân tập trung vào sân bay, giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông, tạo môi trường vận tải công cộng văn minh tại sân bay…

Xin nhấn mạnh rằng, trước mắt Sở GTVT TPHCM sẽ tổ chức mở tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đây sẽ là mô hình xe buýt không trợ  giá.

- Tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với TP Vũng Tàu có gì đặc biệt để có thể thu hút hành khách?

Phương tiện hoạt động trên tuyến này sẽ là các xe buýt chất lượng cao, loại xe Limousine có từ 17 - 29 chỗ ngồi. Ngoài ra còn một loạt dịch vụ kèm theo như hỗ trợ các thủ tục lên máy bay cho hành khách trước khi đến nhà ga hàng không, trong đó có khâu làm thủ tục check-in online ngay trên xe buýt. Hỗ trợ hành khách cập nhật thông tin chuyến bay, thay đổi giờ bay (nếu có). Hỗ trợ hành khách đặt vé, đổi trả vé. Hỗ trợ sắp xếp hành lý cho hành khách tại các băng chuyền ở ga đến và ký gửi hành lý, hàng hóa khi hành khách có nhu cầu. Giúp mang hành lý của hành khách lên xe và dán tem, phiếu để tránh thất lạc hoặc giao nhận nhầm. Có dịch vụ đặt chỗ, mua vé online cho hành khách đi xe, kể cả hành khách đang ở tại nước ngoài…

- Lộ trình tuyến xe này như thế nào?

Theo phương án đang được hoàn thiện, tên chính thức của tuyến đăng ký mở mới sẽ là “Sân bay Tân Sơn Nhất - Đường cao tốc - Bến xe Vũng Tàu” với cự ly toàn tuyến là 101km. Lộ trình lượt đi và lượt về sẽ có một chút khác biệt để phù hợp và đáp ứng với tình hình thực tế. Theo đó, lộ trình lượt đi là từ sân bay Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ - đường cao tốc (TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) - quốc lộ 51 - Bình Giã - Thống Nhất - Lê Hồng Phong - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Bến xe Vũng Tàu. Lượt về từ Bến xe Vũng Tàu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Hồng Phong - Thống Nhất - Bình Giã - quốc lộ 51 - đường cao tốc (TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Trường Sơn - cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Lộ trình trên đã đi qua hàng loạt điểm thu hút hành khách như sân bay Tân Sơn Nhất, các tòa nhà cao ốc, khu dân cư, khu công nghiệp (Gò Dầu, Mỹ Xuân, Phú Mỹ), TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu…

Bình quân mỗi ngày có 80 chuyến buýt khởi hành trong thời gian từ 0 giờ 30 đến 23 giờ 30 với hành trình 150 phút và thời gian giãn cách từ 20 - 90 phút, tùy giờ cao điểm hay thấp điểm.

Về phương tiện, dự kiến có 13 xe hoạt động và 1 xe dự phòng. Đặc biệt, đơn vị đầu tư phương tiện sẽ phải đáp ứng về số chỗ ngồi được quy định tại khoản 2, Điều 16, Nghị định 86/2014/NĐ-CP ban hành ngày 10-9-2014 của Chính phủ, cụ thể là ô tô khách từ 17 chỗ ngồi trở lên.

Do đặc thù của tuyến là đến và đi từ sân bay có cự ly tương đối dài, nên xe buýt hoạt động trên tuyến này sẽ khác các tuyến xe buýt hoạt động nội tỉnh là không bố trí chỗ đứng trên xe. Vé xe sẽ được nhân viên bán trực tiếp trên xe hoặc tại quầy dịch vụ tại ga đến quốc nội và quốc tế cũng như bán vé trực tuyến và bán vé qua điện thoại.

- Chúng tôi nhận thấy lộ trình tuyến xe buýt liên tỉnh sắp mở có sự trùng lắp luồng tuyến với một số tuyến buýt khác đang hoạt động, chẳng hạn trùng lắp một đoạn dài hơn 5km với tuyến xe buýt mã số 109 Công viên 23-9 - Sân bay Tân Sơn Nhất. Ông có thể nói gì về điều này?

Mặc dù có trùng lắp ở một số đoạn về lộ trình với vài tuyến buýt hiện hữu, nhưng chúng tôi cho rằng điều này không đáng kể. Hơn nữa, đây là tuyến đặc thù đưa đón khách từ TP Vũng Tàu chạy suốt về sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại nên nhìn chung không ảnh hưởng đáng kể đến các tuyến xe buýt đang hoạt động tại TPHCM lẫn các tuyến xe khách cố định. Ngoài ra, đây là tuyến xe buýt không trợ giá, đồng nghĩa, giá vé sẽ cao hơn nhiều so với tuyến xe buýt 109 Công viên 23-9 - Sân bay Tân Sơn Nhất, hay tuyến buýt Bến xe Vũng Tàu - Tân Thành, Bến xe Vũng Tàu - Bến xe Phú Túc. 

Giá vé xe buýt “Sân bay Tân Sơn Nhất - Đường cao tốc - Bến xe Vũng Tàu” dự kiến là 160.000 đồng/hành khách.

- Ông vừa nhắc đến tình trạng xe hợp đồng nhưng chạy trá hình dưới hình thức xe chạy tuyến cố định để đưa - đón khách tại sân bay. Theo ông, việc mở các tuyến xe buýt liên tỉnh vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giúp xử lý vấn đề này?

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 9 hãng xe hợp đồng đang hoạt động dưới hình thức cung ứng dịch vụ, như tuyến cố định từ sân bay đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Trong số này có 5 hãng xe thuê chỗ đậu và quầy khai thác kinh doanh vận chuyển hành khách và 4 hãng đậu trong bãi xe có thu phí của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, các hãng xe này không thực hiện việc ký hợp đồng thuê bãi đậu xe với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không thu các loại phí khác, trừ phí đậu trong bãi xe ga quốc tế như các phương tiện đón khách bình thường khác.

Hệ lụy của tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình dưới dạng xe chạy theo tuyến cố định tại khu vực sân bay là nạn chèo kéo, mời chào hành khách, từ đó làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự bên trong khu vực sân bay.

Chúng tôi cho rằng, việc đưa vào khai thác các tuyến xe buýt nối kết từ sân bay Tân Sơn Nhất tỏa đi các tỉnh liền kề sẽ góp phần đáng kể chấn chỉnh tình trạng này.

- Bao giờ thì xe buýt liên tỉnh “Sân bay Tân Sơn Nhất - Đường cao tốc - Bến xe Vũng Tàu” sẽ bắt đầu hoạt động?

Hiện Sở GTVT TPHCM đang phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn chỉnh phương án khai thác, sau đó sẽ báo cáo lên UBND TPHCM và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để được cho phép chính thức triển khai. Dự kiến, bắt đầu khai thác tuyến này trong tháng 10-2018.

Phải xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển xe

Không quá khó để thấy người điều khiển xe gắn máy 2 bánh vừa đi vừa sử dụng điện thoại. Hành vi này càng ngày càng phổ biến, nhất là khi các hãng xe công nghệ phát triển mạnh mẽ, dịch vụ giao nhận hàng nở rộ. 

Hết Grab bike “vừa đi vừa nhìn điện thoại” để tìm địa chỉ, nay giờ có thêm Go-Jek… Vẫn biết chiếc điện thoại là “sợi dây” kết nối của họ với khách hàng, nói nôm na, đó là phương tiện “làm ăn” của họ, nhưng vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại, nhất là để đọc các thông tin trên đó… sẽ vô cùng nguy hiểm không chỉ cho người sử dụng điện thoại mà còn cho cả những người cùng tham gia giao thông. Do vậy, đề nghị ngành chức năng nên xử nghiêm hành vi này và các đơn vị vận tải sử dụng công nghệ để kết nối với khách hàng cũng nên nghiên cứu cách thức cho nhân viên sử dụng điện thoại trên đường như thế nào cho an toàn. Đơn cử, có thể yêu cầu nhân viên khi cần nghe hoặc tra cứu thông tin trên điện thoại thì nên dừng xe lại bên đường… 

Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ quy định, người điều khiển xe gắn máy mà sử dụng điện thoại, có thể bị phạt tới 200.000 đồng. 

Luật đã có, mong rằng ngành chức năng xử lý nghiêm hành vi này vì sự an toàn của chính người sử dụng điện thoại và của những người cùng tham gia giao thông.

SƠN LAM

Tin cùng chuyên mục