Mổ nhiều lần, có được đi giám định sức khỏe để nghỉ hưu?

 Tôi 44 tuổi, làm công nhân may, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 10-1999 đến nay. Trong thời gian tham gia BHXH tôi có sinh mổ bắt con, thai ngoài tử cung và mổ trĩ. Hiện tại, sức khỏe tôi không tốt. Tới bao nhiêu tuổi thì tôi mới được nghỉ hưu? 
Sau 3 lần mổ như vậy, tôi có giám định sức khỏe được không? (NGUYỄN THỊ THU LAN, lanmay...@gmail.com)
* Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM:
Luật BHXH quy định người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTB-XH, Bộ Y tế ban hành; nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Tại thời điểm này, bà đóng BHXH chưa đủ 20 năm nên chưa đủ điều kiện về thời gian đóng và tuổi đời để được giải quyết chế độ hưu trí. Trường hợp của bà, muốn nghỉ hưu thì thời điểm sớm nhất là sau tháng 10-2019 (đủ 20 năm đóng BHXH) và phải có thêm điều kiện suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Bà có thể đề nghị đơn vị (nếu đang làm việc) giới thiệu đi giám định hoặc chủ động đi giám định (nếu đã nghỉ việc). Hội đồng giám định y khoa  ở số 105 Bùi Hữu Nghĩa, quận 5, TPHCM. Tuy nhiên, xin lưu ý, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2% lương hưu. 
- Tôi là giáo viên trung học phổ thông, bậc lương 9, hệ số 4,98, phụ cấp thâm niên 20%. Năm nay tôi về hưu, lương hưu của tôi bao nhiêu? (NGUYỄN THỊ KIM THỦY, quận 8, TPHCM)
- Do không rõ diễn biến tiền lương, thời gian đóng BHXH, tuổi cụ thể của bà nên tôi không thể tính lương hưu giúp bà là được bao nhiêu. Đề nghị bà tham khảo cách tính lương hưu quy định tại Nghị định số 115/2015 của Chính phủ và Thông tư số 59/2015 của Bộ LĐTB-XH. Hoặc, bà có thể mang giấy tờ đến BHXH quận 8 để cán bộ ở đây phục vụ, tính giúp bà. 
- Tôi tham gia quân đội từ năm 1977, đến năm 2002 thì nghỉ hưu. Trong đó, có thời gian trực tiếp chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, từ năm 1977 đến năm 1989 (11 năm 6 tháng). Khi nghỉ hưu tôi lại không có trợ cấp thời gian chiến đấu. Thời gian chiến đấu của tôi sao không có hệ số quy đổi? (NGUYỄN HIỆP, quận Tân Bình, TPHCM)
- Ông hưởng chế độ hưu trí từ tháng 2-2002. Tại thời điểm này, chế độ hưu trí thực hiện theo quy định của Nghị định số 45 ngày 15-7-1995 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân. Theo quy định trên, thời gian đóng BHXH để làm cơ sở tính lương hưu là thời gian công tác thực tế được ghi nhận trên sổ BHXH, không tính theo thời gian công tác quy đổi như quy định trước đây. 
- Tôi là cựu chiến binh, có đi B, xuất ngũ về địa phương ở quận Hồng Bàng (Hải Phòng). Tôi có bảo hiểm y tế (BHYT), cho đến năm 2014, tôi cùng gia đình chuyển hộ khẩu và thường trú tại TPHCM. Từ đây, tôi không được hưởng BHYT nữa. Vậy, tôi cần làm gì để được cấp thẻ BHYT? (NGUYỄN NHƯ SƠN, quận Gò Vấp, TPHCM)
- Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30-4-1975 trở về trước, không thuộc diện BHYT bắt buộc hoặc chưa được hưởng BHYT theo các chế độ ưu đãi khác thì được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Với ông, đã được BHXH TP Hải Phòng cấp thẻ BHYT nhưng đã hết hạn sử dụng và nay ông đang ở quận Gò Vấp, ông cần liên hệ Phòng LĐTB-XH quận Gò Vấp để được hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT cho ông theo diện cựu chiến binh. 

Tin cùng chuyên mục