Kỷ niệm 77 năm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940 - 23-11-2017)

Mõ Nam Lân - Biểu tượng Nam Kỳ khởi nghĩa

Khi cuộc Kháng chiến Nam Kỳ nổ ra, cùng với các cánh quân các xã lân cận đánh chiếm bót Bà Điểm, tiếng mõ vang lên thúc giục quân ta xung trận, làm cho quân giặc khiếp sợ tháo chạy, đầu hàng…
Chiếc mõ Nam Lân đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống xã Bà Điểm
Chiếc mõ Nam Lân đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống xã Bà Điểm

Ông Nguyễn Văn Cư, người con út của đảng viên lão thành cách mạng Nguyễn Thanh Trà (Năm Chà) giới thiệu với chúng tôi, ở ấp Nam Lân, xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) có ngôi miếu cổ, nơi cất giữ chiếc mõ mà cha ông cách nay 77 năm đi khắp làng trên, xóm dưới gõ mõ thúc giục già trẻ, gái trai nhất tề đứng lên làm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ…

Tiếng mõ bi thương, hào hùng

Ngôi miếu cổ ở ấp Nam Lân có từ hơn 100 năm trước, được người dân đặt tên và gọi đến hôm nay là Miếu Ngãi. Trong miếu có chiếc mõ được làm bằng gỗ mù u, mỗi khi gióng lên tiếng vọng vang xa. Thời Pháp thuộc, bọn thực dân tay sai thường bắt những người trốn thuế hay những nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng trói tay ngồi phơi nắng giữa sân miếu, sau đó gióng mõ đi khắp làng tập hợp dân chúng đến xem chúng xử tội, đánh đập dã man. Từ đó, mỗi khi nghe tiếng mõ vang lên đầu trên, xóm dưới là người dân sợ hãi, tìm đường trốn, không muốn nhìn thấy cảnh đau thương của đồng bào mình.

Ông Nguyễn Văn Cư nhớ lại, khi còn sống, người cha thường kể câu chuyện ông cùng hai đồng chí của mình được giao nhiệm vụ đột nhập vào Miếu Ngãi đánh cắp chiếc mõ.

“Mõ được giao cho ba tôi cất giữ, bảo quản và tập đánh theo hiệu lệnh. Theo quy định được ngầm thông báo, tiếng mõ vang lên mấy hồi, mấy nhịp là kêu gọi sáng mai tập hợp để biểu tình; mấy hồi, mấy nhịp là báo động giặc đổ quân ruồng bố. Hay tiếng mõ dồn dập liên hồi là khủng bố tinh thần giặc, lập tức nhân dân hưởng ứng khua thùng, thau chậu và cùng hú vang khắp xóm. Giặc hoảng sợ rút vào bót là lúc lực lượng ta rải truyền đơn, treo cờ, biểu ngữ…”.

Cũng theo ông Cư, nhiều lần ông được nghe cha mình và người làng Nam Lân nói về tinh thần quả cảm, mưu trí của những người được giao nhiệm vụ đánh mõ. Thường là 3 người, 2 người dùng đòn tre cột dây khiêng mõ, người kia dùng dùi đánh mõ. Để tránh địch phát hiện phải liên tục di chuyển, lúc đi ngoài đường lớn, lúc lại đi lòn phía sau các bụi trúc, bụi tầm vông xuyên qua từng nhà. Xong nhiệm vụ, mõ được đưa đi cất giấu dưới một ngôi mộ giả trong nghĩa trang ấp Nam Lân. Những lúc người đánh mõ bị giặc phát hiện, truy đuổi, khi nghe 3 tiếng mõ ngắt quãng là người dân trong các xóm túa ra tiếp ứng, cất giấu mõ và bảo vệ lực lượng.

Theo sử sách còn lưu lại, sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, diễn ra từ ngày 6 đến 8-11-1939 tại nhà ông Trần Văn Hy ở ấp Tây Lân, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư chủ trì, đã chuyển hướng đấu tranh vũ trang để giành độc lập. Tỉnh ủy Gia Định cử đồng chí Lê Văn Khương, Thường vụ Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị vũ khí, giáo mác, tập hợp lực lượng. Ông Năm Chà và đội quân đánh mõ lại ngày đêm gióng mõ khắp xóm làng tạo khí thế cách mạng, lôi cuốn quần chúng tham gia. Khi cuộc Kháng chiến Nam Kỳ nổ ra, cùng với các cánh quân các xã lân cận đánh chiếm bót Bà Điểm, tiếng mõ vang lên thúc giục quân ta xung trận, làm cho quân giặc khiếp sợ tháo chạy, đầu hàng…

Âm vang tiếng mõ Nam Lân

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, dù sống giữa lòng địch nhưng nhân dân Bà Điểm vẫn quyết bảo vệ, giữ gìn, không để mõ rơi vào tay giặc. Sau ngày đất nước được thống nhất, mõ được người dân ấp Nam Lân đào lên đưa về đình Bà Điểm trưng bày như một kỷ vật quý giá, gợi nhớ bao kỷ niệm bi thương và hào hùng trên quê hương 18 Thôn Vườn Trầu Bà Điểm - Hóc Môn.

Năm 1976, trong dịp kỷ niệm 36 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ, ông Năm Chà, người đánh mõ trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vinh dự được mời lên gióng mõ khai lễ. Tiếng mõ vang xa, hòa trong khí thế hào hùng, hân hoan của dòng người và cờ hoa đón mừng ngày vui của dân tộc.

Năm 1978, trong buổi lễ kỷ niệm 38 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ tổ chức tại Bà Điểm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã về dự và gặp lại ông Năm Chà, mời ông lên gióng mõ. Tiếng mõ vang xa, gợi nhớ lại bao kỷ niệm trên quê hương cách mạng 18 Thôn Vườn Trầu, quyết theo Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng từ khi Đảng ra đời cho đến ngày độc lập, thống nhất dân tộc.

Từ đó, hàng năm cứ vào các ngày lễ trọng đại của dân tộc, ngày đón mừng sự kiện lớn của quê hương Bà Điểm - Hóc Môn, tiếng mõ Nam Lân lại vang xa, nhắc nhở về gương dũng cảm tranh đấu, hy sinh của bao lớp người đi trước.

Tiếng mõ Nam Lân còn truyền giữ lại cho thế hệ hôm nay có trách nhiệm nối tiếp truyền thống cách mạng, quyết giữ nền độc lập, tự do cho nước nhà, nguyện đem sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh, trường tồn.

“Mõ Nam Lân hiện được trưng bày tại Nhà truyền thống xã Bà Điểm. Ngoài chiếc mõ đã đi vào lịch sử này, trong những năm qua huyện Hóc Môn đã làm một số cái theo phiên bản của chiếc mõ Nam Lân, cũng bằng gỗ mù u gửi tặng các địa phương trong vùng, trong đó có xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) là quê hương ông Nguyễn Văn Quá, Chánh lãnh binh trong cuộc Khởi nghĩa 18 Thôn Vườn Trầu, và cũng là quê hương các đồng chí Võ Văn Tần và Võ Văn Ngân, đã gắn bó với phong trào đấu tranh cách mạng của Hóc Môn - Bà Điểm”.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hóc Môn)

Tin cùng chuyên mục