Mô hình trường tiên tiến: Thận trọng khi nhân rộng

Nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới và phát triển toàn diện giáo dục, bắt đầu từ năm học 2016-2017, TPHCM triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ở tất cả bậc học.
Cô và trò Trường Mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè) - đơn vị triển khai mô hình tiên tiến - trong một giờ ăn trưa
Cô và trò Trường Mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè) - đơn vị triển khai mô hình tiên tiến - trong một giờ ăn trưa
 Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, đã có 34 trường từ mầm non đến THPT triển khai áp dụng. Không thể phủ nhận hàng loạt ưu điểm do mô hình mang lại, tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn…  

Tự tin với diện mạo mới 

Năm học 2017-2018 là năm thứ hai Trường Mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè) triển khai mô hình tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trên tổng số 320 học sinh đang theo học ở tất cả khối lớp, trường áp dụng mô hình tiên tiến ở 2 khối mầm và chồi, với 153 học sinh. 

“Sĩ số các lớp tiên tiến chỉ dao động từ 20 - 22 học sinh/lớp. Trẻ được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, học thể thao 10 môn phối hợp theo chương trình nước ngoài, tăng cường các giờ học năng khiếu và hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng sống cho học sinh”, bà Loan thông tin. Dự kiến trong năm học tới, trường sẽ tiếp tục mở rộng mô hình tiên tiến đối với khối lá (mầm non 5 tuổi). 

Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), gần 300 học sinh ở khối 1 và khối 2 (trên tổng số 876 học sinh toàn trường) đang theo học chương trình tiên tiến. Tại các lớp tiên tiến, ngoài việc cơ sở vật chất được hiện đại hóa như gắn thêm bảng biểu cường lực, màn hình thông minh đa điểm chạm, lót sàn gỗ, tủ đựng đồ cá nhân cho mỗi học sinh, kệ truyện mini…, học sinh còn được tăng cường các giờ học tiếng Anh và giao tiếp với người nước ngoài, học tin học theo chuẩn quốc tế, các hoạt động năng khiếu, phát triển kỹ năng sống, toán tư duy lego… 

Riêng ở bậc THCS, đây là năm đầu tiên Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) triển khai mô hình trường tiên tiến. Sau gần một học kỳ triển khai, điều dễ nhận thấy nhất đối với học sinh ở đây là sự năng động, tự tin qua các giờ học năng khiếu như mỹ thuật, tin học, thể dục thể thao. Đặc biệt, sự ra đời của lớp học STEM với nhiều hoạt động tương tác, hoạt cảnh, trò chơi và sáng tạo trên internet, đã giúp các em học sinh phát triển hàng loạt kỹ năng mềm như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, suy luận, phát huy được sự sáng tạo, tư duy lô gíc. 

Đánh giá cao những nỗ lực đó, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, cho rằng mô hình trường tiên tiến chính là một trong những hình thức phát triển tối ưu nguồn lực sẵn có của các trường công lập, kết hợp thêm sự đóng góp của phụ huynh, tạo ra môi trường học tập mới, hiện đại, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các chuẩn kỹ năng và kiến thức tiên tiến. 

Giải bài toán sĩ số và minh bạch thu, chi

Bên cạnh hàng loạt ưu điểm, điều khiến các phòng GD-ĐT hiện nay còn băn khoăn là sự co kéo về sĩ số. 

“Để triển khai Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học theo mô hình tiên tiến, chúng tôi phải cùng lúc chuẩn bị cơ sở vật chất cho 2 trường tiểu học khác trên cùng địa bàn, để đón những học sinh trước đây theo phân tuyến học ở Nguyễn Thái Học nhưng giờ gia đình không có nguyện vọng hoặc không đủ điều kiện cho con theo học trường tiên tiến vẫn có chỗ học ở một trường khác”, đại diện Phòng GD-ĐT quận 1 cho biết. 

Tương tự, tại quận 3, ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết mặc dù trường nằm trong danh sách 24 đơn vị giáo dục triển khai mô hình tiên tiến do UBND TPHCM phê duyệt từ đầu năm học 2016-2017, nhưng đến nay trường vẫn chưa chính thức áp dụng mô hình này vì gặp khó khăn về sĩ số. Thực tế giảng dạy cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều phương pháp đổi mới dạy và học, là một trong số ít trường THCS ở TPHCM có phòng học STEM đạt chuẩn hiện đại, học sinh được trang bị kỹ năng mềm, tăng cường giờ học ngoại khóa, nhưng vì chưa đáp ứng được quy định về sĩ số không quá 30 học sinh/lớp nên trường chưa triển khai mô hình tiên tiến. Rõ ràng việc cùng lúc đáp ứng cả 2 tiêu chí “tinh về chất, gọn về lượng” vẫn là yêu cầu khó đặt ra cho các đơn vị.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng sau mỗi năm thí điểm, TP nên có tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những mặt làm được và khắc phục hạn chế còn tồn tại ở các đơn vị tham gia thí điểm. Bởi thực tế hiện nay cho thấy các trường đang làm mỗi nơi một kiểu, việc lựa chọn đối tác/chương trình nước ngoài phụ thuộc nhiều “quyền sinh quyền sát” của hiệu trưởng, chưa thật sự tạo được yên tâm cho phụ huynh.
Thêm vào đó, theo quy định chung của TPHCM, trường tiên tiến được phép thu thêm không quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng, ngoài các khoản thu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, cơ cấu từng khoản chi như thế nào hiện nay chưa có chuẩn chung thống nhất, về yêu cầu công khai, minh bạch thì có nơi làm tốt, nơi chưa. Vì vậy, để mô hình được nhân rộng và triển khai hiệu quả, cần sự theo dõi, giám sát chặt chẽ hơn từ phía cơ quan quản lý. Đặc biệt, việc học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị cần được đẩy mạnh, qua đó vừa giúp các trường có cơ hội “tự nhìn lại” vừa tăng thêm khả năng giám sát, phản biện của xã hội, giúp mô hình phát triển đúng hướng, trở thành điểm son sáng của giáo dục TPHCM.
Một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, phản hồi bước đầu của phụ huynh về mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế rất tốt. Nhiều quận, huyện đã có kế hoạch mở rộng số lượng trường tham gia thí điểm vào năm sau.

Tin cùng chuyên mục