Mô hình kinh doanh thích nghi

Virus corona đã làm đảo lộn hầu như tất cả thói quen sinh hoạt của con người trên thế giới. Bởi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện khiến các quốc gia bắt đầu “bế quan tỏa cảng”. Và chính trong những thời điểm khó khăn này, con người luôn biết cách thích nghi với môi trường xung quanh để tồn tại và phát triển. 

Khi bùng phát lần đầu tiên tại Trung Quốc, virus corona đã khiến không chỉ các doanh nghiệp lớn nhỏ bị tác động mà các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng.

Một cửa hàng bách hóa tại Trung Quốc khi nhận thấy khách hàng không thể tiếp cận các cửa hàng truyền thống như trước đây đã thay đổi hình thức tiếp cận bằng cách hợp tác cùng một trang mạng xã hội tại địa phương thực hiện phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội (livestream), với sự tham gia của các nhân viên bán hàng. Mỗi phiên bán hàng trực tuyến thu hút nhiều khách hàng tham gia, đạt mức doanh thu tương tự bán hàng truyền thống. Mô hình này đã nhanh chóng lan rộng và được áp dụng nhiều doanh nghiệp khác. 

Không chỉ có các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các thương hiệu lớn tại Trung Quốc cũng đã áp dụng hình thức này để có thể đối phó với những thay đổi khi đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội.

Đứng trước thử thách này, thương hiệu mỹ phẩm L’Oréal đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức bán hàng từ cửa hàng truyền thống sang màn hình điện tử. Bên cạnh kênh bán hàng trực tuyến, thương hiệu này còn phát trực tiếp những buổi hướng dẫn làm đẹp trên các trang mạng xã hội. Hình thức này đã thu hút một lượng lớn khách hàng tiềm năng cho thương hiệu.

Giám đốc Kỹ thuật số của L’Oréal, bà Lubomira Rochet cho biết thương hiệu đã giới thiệu 2 dịch vụ phục vụ khách hàng trong mùa dịch. Thứ nhất, những khóa học hướng dẫn làm đẹp tại nhà được phát trực tiếp cho nhiều người theo dõi. Thứ hai là dịch vụ tư vấn chăm sóc sắc đẹp cá nhân với các chuyên gia làm đẹp. Những bước cải tiến này của L’Oréal đã phát huy tác dụng khi lượt người truy cập vào các buổi trình chiếu trực tuyến trong năm qua đạt 1 tỷ lượt xem. Hơn thế, tỷ lệ người mua hàng thông qua các buổi trình chiếu trực tuyến cũng đã tăng gấp 3 lần so với thông thường.

Một thương hiệu nổi tiếng khác cũng đạt được thành công trong thời kỳ giãn cách xã hội đó là Nike. Trong thời gian giãn cách vừa qua, Nike đã mang đến thị trường một dịch vụ hoàn toàn mới lạ, đó là ứng dụng tập luyện thể dục tại nhà, cung cấp miễn phí cho khách hàng trên các cửa hàng ứng dụng như Apple Store và CH Play. Ứng dụng có hơn 185 bài tập thể dục miễn phí từ các bộ môn có thể tập luyện tại nhà như yoga, các bài tập cardio, các bài tập cơ bắp và các bài tập tạ tay. Ứng dụng này còn có thêm chức năng thiết kế những khẩu phần ăn phù hợp được tư vấn trực tuyến bởi những chuyên gia sức khỏe. 

Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động marketing và doanh số bán hàng các thương hiệu lớn như LVMH hay Kering bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, Ralph Laurent hủy bỏ chương trình biểu diễn thời trang thường niên, Burberry tạm ngưng buổi trình diễn thời trang tại Thượng Hải, hay Gucci và Prada cũng hủy bỏ 2 chương trình biểu diễn lớn tại San Francisco (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản). 

Trước những khó khăn trên, bộ phận sản xuất nước hoa của LVMH đã chuyển đổi quy trình sản xuất sang nước rửa tay để cung cấp cho thị trường. Cùng với LVMH còn có Estee Lauder và L’Occitane cũng tham gia chuyển đổi quy trình sản xuất nước hoa và mỹ phẩm thành nước rửa tay. Bên cạnh đó, thương hiệu thời trang nổi tiếng với chú cá sấu trên ngực trái Lacoste đã sản xuất hơn 100.000 khẩu trang tại các cơ sở ở châu Âu và 200.000 khẩu trang tại các công ty sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Argentina. 

Hay như tỷ phú nước Nga và đang là Chủ tịch Câu lạc bộ Chelsea Roman Abramovich đã mở cửa khách sạn Millenium tại Stamford Bridge, thủ đô London (Anh) để phục vụ các nhân viên y tế của Trung tâm Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), nhằm giúp họ giảm bớt áp lực và rút ngắn thời gian công tác tại các điểm nóng dịch bệnh trong thủ đô.

Tin cùng chuyên mục