Mở đường để trái thanh long vào thị trường Ấn Độ

Tại cuộc họp bàn giải pháp đưa trái thanh long vào thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết, Ấn Độ là thị trường tiềm năng với quy mô 1,3 tỷ dân và trái thanh long cũng là một trong nhiều sản phẩm nông sản Việt được ưa chuộng sử dụng tại đây. 
Giá thanh long xuống thấp, nông dân tỉnh Bình Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Giá thanh long xuống thấp, nông dân tỉnh Bình Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Hiện khâu vận chuyển thanh long từ Việt Nam đến Ấn Độ khá thuận lợi, chỉ mất khoảng 2-3 tuần. Trong khi đó, thời gian bảo quản và sử dụng trái thanh long là 6-7 tuần, đủ để xuất khẩu, phân phối ra thị trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng giám đốc Công ty Song Nam ITD, kinh nghiệm xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ là ngoài những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, doanh nghiệp cần phải chặt chẽ trong thương thảo hợp đồng, đặc biệt phải yêu cầu khách hàng thanh toán trước 50% giá trị hợp đồng. Riêng từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp phải yêu cầu khách hàng thanh toán trước 100% chi phí để tránh rủi ro không được đối tác thanh toán. 

Hiện cũng đang có tình trạng thương nhân Ấn Độ sang đặt hàng trực tiếp tại Việt Nam. Họ mua thanh long Việt Nam nhưng đóng nhãn mác Ấn Độ để xuất khẩu. Về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến thanh long Việt Nam mất thương hiệu, bị chi phối khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu, gây thiệt hại nặng cho ngành xuất khẩu thanh long. Do vậy, các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp sản xuất cần chuẩn hóa bao bì sản phẩm, liên kết cùng nhau để xây dựng thương hiệu.

* Ngày 21-1, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ tiêu thụ thanh long và dưa hấu của tỉnh.

Từ nay cho đến tháng 3-2022, tỉnh Bình Thuận có gần 237.000 tấn thanh long và 300 tấn dưa hấu đã và đang tới vụ thu hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở biên giới các tỉnh phía Bắc liên tục gặp khó khăn, dẫn đến giá nông sản, đặc biệt là thanh long liên tục giảm sâu. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận kiến nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thông tin đến các doanh nghiệp có sàn thương mại điện tử để nắm bắt thông tin, tham gia kinh doanh sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, Sở Công thương Bình Thuận cũng cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh sản phẩm thanh long, dưa hấu của tỉnh Bình Thuận để Sở Công thương các tỉnh, thành phố hỗ trợ tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại biết và liên hệ kết nối, thống nhất phương án vận chuyển, cung ứng hàng hóa theo nhu cầu.

Tin cùng chuyên mục