Mở cửa trong thận trọng

Ngày 6-7, thị trường chứng khoán châu Á đã có một ngày giao dịch sôi động khi tâm lý nhà đầu tư hưng phấn trước những tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực. Hầu hết các nơi trên thế giới đều tiến hành từng bước mở cửa với các biện pháp phòng ngừa an toàn nhất có thể khi dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.
Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay quốc tế từ ngày 1-7
Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay quốc tế từ ngày 1-7

Khuyến nghị mới về virus SARS-CoV-2

Báo New York Times của Mỹ cho biết, gần 240 nhà khoa học từ 32 quốc gia lên tiếng kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận việc virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lây truyền qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ trong không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh truyền nhiễm này lây lan. Trong bối cảnh WHO tuyên bố virus lây lan chủ yếu qua những giọt lớn thoát ra từ đường hô hấp của bệnh nhân do ho, hắt hơi hoặc khi giao tiếp và rơi xuống bề mặt nào đó thì sang tuần tới, trên một tạp chí khoa học có thể công bố bức thư của 239 nhà khoa học gửi cho WHO yêu cầu tổ chức này sửa đổi các khuyến nghị về virus SARS-CoV-2.

Ngày 6-7, Thủ hiến bang Victoria của Australia, ông Daniel Andrews, thông báo biên giới giữa bang này và bang New South Wales sẽ đóng vô thời hạn từ ngày 7-7, sau đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Quyết định trên đánh dấu lần đầu tiên sau 100 năm biên giới giữa 2 bang đông dân nhất Australia này đóng cửa (lần đóng biên giới trước đó là năm 1919, do dịch cúm Tây Ban Nha). 

Tuy dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tốt và đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi nhưng mở cửa nền kinh tế là vấn đề mà hầu hết các nước đều đang tính toán thận trọng để bắt đầu. Báo Bangkok Post ngày 6-7 dẫn một nguồn tin cho biết Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đang thành lập lực lượng đặc nhiệm để truy dấu khách du lịch mắc Covid-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị mở lại không phận cho các chuyến bay du lịch quốc tế. Bản chất của đơn vị điều tra Covid-19 sẽ chủ yếu liên quan đến điểm đến và vận chuyển khách du lịch.

Câu chuyện Việt Nam

Việt Nam đã trải qua hơn 2 tháng không có ca mắc mới nào trong cộng đồng, thành tích giúp Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và là một trong những nước đầu tiên mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Đây là nhận định của bài báo đăng tải trên trang mạng mckinsey.com về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau thành công kiểm soát dịch.  

Theo bài báo, tình trạng phong tỏa của Việt Nam chỉ kéo dài 22 ngày, ngắn hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, điều này giúp giảm bớt một số áp lực đối với tiêu dùng. Bài báo cho biết hiện vẫn phải theo dõi xem tiêu dùng trong nước có thể giữ cho nền kinh tế tăng trưởng bao lâu nếu tăng trưởng trong các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế không phục hồi. 

Mặc dù dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nguồn cung khi các thị trường xuất khẩu chính bị đình trệ song vẫn có một số điểm sáng đáng khích lệ là Việt Nam đã tiến hành các biện pháp quan trọng để duy trì hoạt động sản xuất dù các nước khác vẫn đang trong tình trạng bị phong tỏa. Cụ thể, các kỹ sư từ 2 tập đoàn điện tử nước ngoài lớn đã được phép vào Việt Nam từ đầu năm nay để đảm bảo các nhà máy của họ tiếp tục hoạt động hết công suất. Chính phủ Việt Nam cũng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để tăng cường sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho các công nhân làm trong các lĩnh vực thiết yếu, giúp họ tiếp cận các thị trường toàn cầu. 

Bài báo nhận định năm nay sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức nhưng Việt Nam có thể hy vọng chứng kiến sự trở lại vị trí là điểm đến hấp dẫn một khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi. Nếu có thể duy trì thành tích tốt trong việc kiềm chế dịch Covid-19 đồng thời tạo ra sự thay đổi cấu trúc phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng trong thập niên tới, Việt Nam không chỉ có thể lấy lại vị thế kinh tế trước khi xảy ra dịch bệnh mà còn tạo động lực cho đà tăng trưởng mới.

Tin cùng chuyên mục