Mở cửa du lịch hậu Covid-19: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Covid-19 đã kịp xóa đi thành quả, sự cố gắng, nỗ lực của hàng ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch... Và nếu không có những chính sách đột phá, những giải pháp tổng thể, đồng bộ và sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì rất khó để hồi phục.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Đối thoại chuyên đề: "Mở cửa du lịch hậu Covid-19 - Những vấn đề nóng cần giải quyết" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 20-3 nhằm tháo gỡ những vướng mắc để ngành du lịch phát triển trong thời gian tới.

Ngày 15-3, ngày mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch, có thể coi là dấu mốc lịch sử với ngành công nghiệp không khói của Việt Nam. Sở dĩ gọi đây là dấu mốc lịch sử bởi trong hai năm bùng phát dịch Covid-19, các doanh nghiệp, nhân sự hoạt động trong ngành du lịch phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chưa từng có.

Cụ thể, năm 2020, du lịch Việt bắt đầu lao dốc. So với năm 2019, Việt Nam mất 80% lượng du khách quốc tế; khách nội địa giảm 50%; ngành du lịch thiệt hại khoảng 530.000 tỷ đồng. Xét trên bình diện vĩ mô, nếu như năm 2019, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch đối với GDP là 9,20% thì con số này trong các năm 2020 và 2021 lần lượt là 3,58% và 1,97%. Cơ sở lưu trú du lịch cũng bị tác động nặng nề.

Qua thống kê cho thấy, có đến 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu... Nhìn chung, Covid-19 đã kịp xóa đi thành quả, sự cố gắng, nỗ lực của hàng ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh... Và nếu không có những chính sách đột phá, những giải pháp tổng thể, đồng bộ và sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì rất khó để hồi phục du lịch.

Trong thời điểm mở cửa du lịch hoàn toàn (15-3) thì vẫn còn không ít những băn khoăn được đặt ra với các doanh nghiệp trong việc đón khách quốc tế.

“Đóng băng”, “kiệt quệ” là thực thực trạng của nhiều doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì vậy, câu chuyện về nhân lực, nguồn vốn để phục hồi thời điểm hậu Covid-19 thực sự nan giải.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel chia sẻ, Tổng Cục du lịch đã đề nghị với ngân hàng cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang đóng quỹ 500 triệu đồng được rút 80% về để bổ sung vào hoạt động kinh doanh, điều này hết sức kịp thời. Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho biết, nguồn vốn chỉ mấy trăm triệu đồng thì không thể đủ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, ông Khánh đề xuất, với gói 350.000 tỷ đồng sẽ đến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành để làm sao thuận tiện nhất trong việc tiếp cận được nguồn vốn đó.

Câu chuyện thu hút nhân lực chất lượng cao quay trở lại với ngành sau thời gian dài bị gián đoạn cũng đã được đưa ra "mổ xẻ". Theo thống kê, nguồn nhân lực của ngành du lịch là 2,5 triệu lao động, con số bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau dịch bệnh.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, muốn phục hồi du lịch thì một trong những vấn đề cần chuẩn bị tốt là nguồn nhân lực. Bởi lẽ, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự dịch chuyển lao động từ khối du lịch, dịch vụ sang các ngành khác là rất lớn.  
“Muốn kéo nguồn lao động này quay trở lại là không dễ dàng, không phải tất cả đều muốn quay lại ngay. Rõ ràng dù hoạt động du lịch đã mở cửa nhưng chưa đảm bảo chắc chắn, nên việc kéo người lao động quay lại là họ phải suy nghĩ”, ông Thủy nói.
Nhận định du lịch chất lượng cao không khải là khách sạn 5 sao hay 6 sao mà phải là con người 5 sao, 6 sao, nếu làm không được thì không kịp có du lịch chất lượng tốt… bởi vậy, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, song tỉnh cũng mong muốn sắp tới các bộ, ngành cùng song hành, hỗ trợ, kết hợp với địa phương.

Hướng tới khách hàng nội địa đầy tiềm năng, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc kinh doanh du thuyền Ambassador Cruise chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi có 75% khách nước ngoài và 10-25% khách nội địa. Khách nội địa thậm chí khó phục vụ hơn khách nước ngoài, với dịch vụ 5-6 sao họ mong đợi tốt hơn”, ông Dũng nói và cho rằng điều này đặt ra yêu cầu phải luôn bồi dưỡng nhân sự để đáp ứng yêu cầu của du khách, xa hơn là đón được các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Canada.

Cũng tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách như triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nâng cao trải nghiệm của khách... với hy vọng nhanh chóng bắt kịp làn sóng phục hồi trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục