Mịt mù đường vành đai

Theo quy hoạch, TPHCM có 4 đường vành đai. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, có thể nói TPHCM chưa có tuyến đường vành đai đúng nghĩa. Sự thiếu vắng này là một trong những nguyên nhân khiến giao thông TPHCM lạc hậu, quá tải. Hoạt động sản xuất kinh doanh vì thế cũng bị ảnh hưởng nặng. 
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đi ngang huyện Nhà Bè đang được thi công. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đi ngang huyện Nhà Bè đang được thi công. Ảnh: HOÀNG HÙNG

10 năm chưa làm xong 13km

Vành đai 2 được đánh giá là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TPHCM, bởi khi tuyến đường này hoàn thành, thành phố có thể điều tiết giao thông, đưa một số xe tải, xe container lưu thông vào đây thay vì phải đi vào nội đô.

Rất cấp bách là thế, nhưng suốt 10 năm qua, 13km cuối cùng của tuyến đường Vành đai 2 vẫn chưa thể khép kín. Hệ thống đường vành đai “đứt khúc” được nhận định là 1 trong những nguyên nhân chính khiến giao thông khu vực cảng Cát Lái - khu cảng container lớn nhất nước, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.

Sau hơn 3 năm khởi công xây dựng, đoạn đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 của Vành đai 2 thuộc TP Thủ Đức vẫn chỉ là đoạn đường đất nham nhở, cỏ mọc um tùm. Dự án này được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) có tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã ứng ra khoảng 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án. Nhưng hiện tại công trình phải tạm ngưng chờ rà soát tổng mức đầu tư và chờ có mặt bằng thi công.

Đoạn đường đang làm dang dở này dài 2,7km, là một trong 4 đoạn chưa khép kín của Vành đai 2. Đến nay, công tác thi công mới đạt sản lượng khoảng 448 tỷ đồng, tương đương 43,79% tổng sản lượng dự án. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng đạt hơn 90%. 

Mịt mù đường vành đai ảnh 1 Vành đai 2 chưa biết khi nào sẽ được khép kín. Ảnh: CAO THĂNG
Cách đó hơn 5km, một đoạn khác của Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,8km vẫn chưa được triển khai. Hiện đoạn này chỉ là vùng đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm, chưa thấy dấu hiệu gì của Vành đai 2 như trên bản vẽ quy hoạch.
Trước đó UBND quận 9 (nay là TP Thủ Đức) đã lập dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng diện tích thu hồi hơn 30,5ha, với gần 550 hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dự án vẫn đình trệ do chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư công.

Theo Sở GTVT TPHCM, dự án xây dựng đường Vành đai 2 thực hiện chậm chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng thi công chậm. Đến nay, khối lượng thi công toàn dự án mới chỉ hơn 43%, việc chi trả bồi thường đạt khoảng 79%, diện tích mặt bằng bàn giao cho thi công xấp xỉ 75% tổng mặt bằng.

Thời gian qua, UBND TPHCM nhiều lần chỉ đạo sở, ngành, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công với quyết tâm khép kín Vành đai 2; tuy nhiên nhiều vướng mắc vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Chờ phê duyệt nguồn vốn đầu tư

Trong khi đường Vành đai 2 chưa biết khi nào sẽ được khép kín thì nhiều đoạn tuyến trên đường Vành đai 3, 4 vẫn còn chờ phê duyệt nguồn vốn đầu tư. Nếu đường Vành đai 2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với giao thông TPHCM thì các tuyến Vành đai 3, 4 có ý nghĩa quyết định cho giao thông kết nối vùng TPHCM - cũng chính là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.  

Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị thực hiện dự án Vành đai 3 cho biết, tuyến đường này có tổng chiều dài 98,54km, được chia làm 4 đoạn, bao gồm: Tân Vạn - Nhơn Trạch (34,28km); Mỹ Phước - Tân Vạn (16,3km); Bình Chuẩn - QL22 (19,1km); QL22 - Bến Lức (28,86km).

Dự án đi qua các địa phương: TPHCM (53,89km), Bình Dương (26,7km), Đồng Nai (11,3km), Long An (6,65km) với tổng mức đầu tư hơn 35.600 tỷ đồng. Toàn tuyến Vành đai 3 hiện chỉ có 16,3km trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang khai thác với quy mô 6 làn xe cơ giới. Các dự án thành phần còn lại phải chờ chủ trương phê duyệt nguồn vốn đầu tư Nhà nước hoặc chờ nguồn vốn ODA để thực hiện. 

Đường Vành đai 4 có chiều dài khoảng 197,6km, được chia làm 5 dự án thành phần. Trong đó, phần lớn dự án thành phần đang ở bước duyệt quy hoạch. Riêng đoạn 5 (Bến Lức - Hiệp Phước) đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư từ năm 2009 và đã thông qua báo cáo giữa kỳ, tuy nhiên do chưa có nguồn vốn nên tạm dừng. Đến tháng 2-2019, Bộ GTVT chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư dự án thành phần đoạn Bến Lức - Hiệp Phước, ngành chức năng đang lên các phương án triển khai. 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bộ GTVT đã đề nghị các cơ quan liên quan rà soát hồ sơ dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư Vành đai 3 và 4 để sớm xác định nguồn vốn thực hiện. Đồng thời, làm báo cáo chi tiết về tình hình thực hiện các tuyến đường này, báo cáo Chính phủ xem xét. Trong đó, Bộ GTVT đề nghị đề cập đến việc cân đối nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho các địa phương để Chính phủ xem xét.

Nhà đầu tư đuối sức

Dự án xây dựng tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 thuộc Vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức gần như “án binh bất động” hai năm đang làm cho nhà đầu tư đuối sức.

Theo nhà đầu tư, dự án đang chờ các thủ tục pháp lý điều chỉnh tổng mức đầu tư, cập nhật số liệu tài chính và điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp của hợp đồng BT, làm thủ tục đối với các khu đất trong danh mục thanh toán đã ký tại hợp đồng BT với nhà đầu tư… theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư) cho biết, nhiều quy định pháp luật liên quan đến dự án thay đổi liên tục làm doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Yêu cầu “khi nào dự án điều chỉnh xong mới được tiếp tục thi công” của ngành chức năng không sai, nhưng ngành chức năng phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục này. Ông Trần Đức Thắng cam kết, nếu được bàn giao mặt bằng sạch và được thanh toán chi phí đầy đủ thì chỉ 18 tháng là làm xong công trình.

Các tỉnh lân cận TPHCM cũng ùn tắc


Các tỉnh miền Đông Nam bộ là khu vực kinh tế rất năng động với hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông dân cư. Các tỉnh miền Tây Nam bộ là vựa lúa và nhiều nông, hải, thủy sản khác của cả nước. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư đúng tầm mức nên hệ thống giao thông luôn bị ùn ứ nghiêm trọng.

Trên quốc lộ 13 - khu vực cửa ngõ TPHCM, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, người dân luôn phải đối mặt với tình trạng giao thông đông đúc, di chuyển khó khăn. Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch xuyên qua nhiều tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ, nhưng nút thắt cổ chai từ khu vực ngã tư Bình Phước (TPHCM) qua địa bàn TP Thuận An (Bình Dương) nhiều năm liền chưa được tháo gỡ.

Theo ghi nhận của phóng viên báo SGGP trên tuyến đường này vào sáng 30-3, hàng ngàn phương tiện di chuyển chậm chạp, làn xe ô tô nối đuôi nhau rất dài, trong khi làn dành cho xe máy quá đông đúc. Anh Nguyễn Minh Khuê (38 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, sáng nào cũng đi làm qua tuyến đường này, đoạn đường chỉ dài hơn 10km nhưng có ngày đi 2 tiếng mới đến công ty. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn ở khu vực ngã tư 550, tiếp giáp TP Thuận An, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TPHCM). Khu vực này có ít nhất 3 khu công nghiệp, kho cảng IDC Tân Cảng - Sóng Thần… với hàng ngàn xe tải, container qua lại mỗi ngày, không chỉ khiến giao thông ùn ứ, lộn xộn vào giờ cao điểm mà còn làm mặt đường tại đây hư hỏng nghiêm trọng.   

Tương tự, tuyến đường từ TPHCM tới thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh chỉ hơn 40km nhưng thường phải mất khoảng 1,5 giờ đi lại. Quốc lộ 50 và quốc lộ 1 từ TPHCM đi Long An luôn trong tình trạng “nhích từng bước”. TPHCM đã có kế hoạch thực hiện hàng chục dự án giao thông nhằm cải thiện tình trạng này, song nhiều dự án vẫn chưa có nguồn lực thực hiện. 

Tỉnh Bình Dương đang quyết liệt thực hiện các phương án giải phóng mặt bằng, mở rộng quốc lộ 13 lên 8 làn xe, lộ giới 64m (hướng từ TPHCM đến TP Thủ Dầu Một). 3 địa phương TPHCM, Bình Dương, Bình Phước cũng đã thống nhất phương án phối hợp để có thể triển khai đầu tư dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. TPHCM và tỉnh Tây Ninh đang chuẩn bị các thủ tục để xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài với hy vọng cải thiện được tình hình giao thông hiện tại.

XUÂN TRUNG

Tin cùng chuyên mục